Liệu Israel có dám đánh Iran?


NLD - Trong mấy ngày qua, các nhà lãnh đạo Israel đưa ra những tuyên bố trái ngược nhau về cách xử lý vấn đề hạt nhân của Iran

Ngày 5-11, trả lời phỏng vấn báo chí, Tổng thống Israel Shimon Peres tuyên bố rằng “một giải pháp quân sự chống Iran gần hơn giải pháp hòa bình hơn lúc nào hết”. Ông nêu lý do: Iran vẫn tiếp tục chương trình chế tạo vũ khí hạt nhân, bất chấp cảnh báo của quốc tế.

Lòng dân phân tán

Ngày 8-11, báo cáo của IAEA (Cơ quan Năng lượng hạt nhân quốc tế) xác nhận nghi ngờ của Israel và các nước phương Tây là có cơ sở. Các thanh tra của IAEA nói đã thu thập được nhiều bằng chứng cho thấy Iran bí mật nghiên cứu và phát triển bom hạt nhân.
Tuy nhiên, ngày 7-11, Bộ trưởng Quốc phòng Ehud Barak - người được báo chí Israel tiết lộ cùng một phe với Thủ tướng Benjamin Netanyahu chủ trương tấn công Iran “ngay bây giờ” - đã hạ nhiệt những cái đầu nóng: “Chiến tranh không phải là một bữa ăn ngoài trời. Chúng tôi thích ăn ngoài trời chứ không thích chiến tranh. Israel chưa quyết định tiến hành bất cứ chiến dịch quân sự nào”.

Thủ tướng Netanyahu thuyết phục nội các trong cuộc họp hằng tuần ngày 30-10. Ảnh: Reuters

Theo kết quả thăm dò ý kiến quần chúng là người Do Thái và người Ả Rập của nhật báo Israel Haaretz ngày 3-11, có 41% người được hỏi ủng hộ giải pháp quân sự của ông Netanyahu và 39% chống lại, 20% còn lại không bày tỏ ý kiến.

Trong khi đó, 54% người Ả Rập nghĩ rằng Israel không nên can thiệp quân sự, 45% người theo đạo Do Thái chính thống cũng chống lại đề xuất của Thủ tướng Netanyahu so với 54% người theo đạo Do Thái cực đoan ủng hộ ông.

Cuộc thăm dò nói trên cũng hỏi những người Do Thái lẫn Ả Rập có tín nhiệm Thủ tướng Netanyahu và Bộ trưởng Quốc phòng Barak “trong vấn đề Iran hay không”. 52% trả lời có so với 37% trả lời không và 11% không có ý kiến.

Cũng theo kết quả thăm dò của Haaretz, có 80% người Do Thái tin rằng tấn công Iran có nghĩa là phải đối phó với những cuộc tấn công của Hamas ở mạn Nam và Hizbollah ở mạn Bắc.

Sở dĩ có cuộc thăm dò nói trên là do trước đó, một số tờ báo lớn Israel tiết lộ Thủ tướng Benjamin Netanyahu đang tìm cách thuyết phục nội các chính phủ ủng hộ kế hoạch tấn công ngay Iran.
Thông thường, chính quyền Israel không bao giờ tiết lộ những kế hoạch hành động quân sự chống Iran. Tuy nhiên, thỉnh thoảng vẫn có thông tin rò rỉ trên các phương tiện truyền thông đại chúng phương Tây.

Theo đó, Israel và Mỹ đã hoàn tất các kế hoạch tấn công Iran, sắp khai hỏa. Trong trường hợp này, hoặc Tel-Aviv cố tình tiết lộ để thăm dò dư luận hoặc phe chống đối trong nội bộ Israel xì ra để “phá đám”. Giả thuyết sau có lẽ đúng nhất.

Nội các chia rẽ

Nahum Barnea, một nhà báo nổi tiếng của nhật báo Israel Yediot Ahronot, là người đầu tiên tiết lộ thông tin bí mật nói trên.

Ông cho biết thêm Thủ tướng Netanyahu đã lôi kéo được Bộ trưởng Quốc phòng Ehud Barak và Ngoại trưởng Avigdor Lieberman, những người trước đây chống lại việc tấn công Iran, về phía mình nhưng không thuyết phục được đa số thành viên nội các.

Điều đáng nói, đối đầu với bộ ba “diều hâu” nói trên hơn ai hết là các vị phụ trách an ninh, tình báo và quân đội. Đó là tổng tham mưu trưởng Benny Gantz, Giám đốc Cơ quan Tình báo quân đội Aviv Kochavi, Giám đốc Mossad (Cơ quan Phản gián) Tamir Pardo và Giám đốc Shin Bet (Cơ quan Tình báo nội địa) Yoram Cohen. Những vị này ủng hộ giải pháp trừng phạt kinh tế Iran.
Thủ phạm tiết lộ gây khó chịu cho ông Netanyahu nói trên, theo truyền thông Israel, là cựu giám đốc Mossad Meir Dagan và cựu giám đốc Shin Bet Youval Diskin, hai người vốn thuộc phe “diều hâu”.

Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng Moshe Ayalon, ông Barak đáng nghi nhất. Ông này ngả theo phe thủ tướng là vì muốn củng cố địa vị trong chính phủ và gần gũi thủ tướng hơn chứ thật ra, ông là người luôn chống đối giải pháp quân sự, theo giải thích của ông Ayalon.

Ông Ayalon cũng là người bất đồng chính kiến với Thủ tướng Netanyahu. Ông cho rằng hành động đơn phương chống lại Iran là cực kỳ nguy hiểm, cần phải có sự đồng hành của Mỹ. Ông ủng hộ việc tăng cường các biện pháp quốc tế trừng phạt Iran hơn là dùng sức mạnh quân sự.

Ẩn số Mỹ

Theo tiết lộ của truyền thông Israel, cuộc tranh cãi trong nội các về vấn đề Iran chủ yếu xoay quanh việc có nên đơn phương tấn công nước này hay không. Quan điểm của ông Ayalon rất rõ: Cần phối hợp với Mỹ.

Công khai mà nói, Mỹ có vẻ như đang kiềm chế Israel. Trong chuyến viếng thăm Israel hồi tháng rồi, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta khuyến cáo: “Cách đối phó hiệu quả nhất đối với Iran là không nên đơn phương hành động”.
Mới đây, Nhà Trắng cũng tuyên bố Mỹ tiếp tục tìm một giải pháp ngoại giao cho hồ sơ hạt nhân Iran. Jay Carney, người phát ngôn của Nhà Trắng, khẳng định: “Chúng tôi đang tập trung vào kênh ngoại giao trong khi thương lượng với Iran”.

Phó Thủ tướng Moshe Ayalon (giữa). Ảnh: G.N

Giải thích thái độ thận trọng của Washington, các chuyên gia về vấn đề Iran tin rằng Mỹ đang bận bịu với cuộc bầu cử tổng thống 2012 nên chắc chắn sẽ không ủng hộ Israel tấn công Iran trong lúc này.
Michel Liégeois, nhà nghiên cứu Pháp ở Trung tâm Nghiên cứu xung đột và khủng hoảng quốc tế, nhận định rằng chính quyền Obama đang trầy trật rút khỏi hai cuộc chiến trong khu vực nên sẽ không dại gì rước thêm “một thảm họa” nếu gây ra “cuộc chiến thứ ba” ở Trung Đông.

Hậu quả khôn lường

Cách đây 3 năm, cựu giám đốc IAEA Mohamed ElBaradei từng cảnh báo rằng tấn công Iran “sẽ biến Trung Đông thành một quả cầu lửa”. Lời cảnh báo này đến nay, theo các chuyên gia, vẫn còn giá trị

“Hậu quả khôn lường” là cụm từ mà Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta dùng trong buổi họp báo ngày 10-11 tại Lầu Năm Góc vài giờ sau khi Iran cảnh báo rằng tấn công vào các cơ sở hạt nhân của nước này sẽ đối mặt với “bàn tay sắt”.

Ông Panetta nói ông hoàn toàn đồng ý với nhận định của người tiền nhiệm là Robert Gates, theo đó, tấn công Iran chỉ có thể trì hoãn chương trình hạt nhân, đồng thời khiến nhân dân Iran đoàn kết hơn và toàn tâm toàn ý chế tạo bằng được vũ khí hạt nhân.

Ông Panetta nhìn nhận rằng hành động quân sự sẽ thất bại trong việc cản trở “những gì họ muốn làm” nhưng “quan trọng hơn cả là sẽ tác động mạnh đến khu vực, tác động mạnh đến lực lượng Mỹ trong khu vực. Chúng ta phải xem xét một cách thận trọng những tác động này”.

“Sốc” dầu thô

Trong các biện pháp trả đũa nhắm vào Israel và những cơ sở quân sự lẫn dân sự của Mỹ trong vùng Vịnh, Iran có thể tấn công những cơ sở công nghiệp dầu khí trong vịnh Ba Tư. Nhưng đối với các nhà kinh tế, sợ nhất là eo biển Hormuz – tuyến đường vận chuyển 40% lượng dầu thô thế giới – bị Iran phong tỏa. Mỗi ngày có 15,5 triệu thùng dầu thô được vận chuyển qua eo biển này, phần lớn là dầu xuất khẩu của Iran.

Mohammad Karim Abedi, một thành viên thuộc Ủy ban An ninh quốc gia của Quốc hội Iran, cảnh cáo rằng bất cứ cuộc tấn công nào nhắm vào Iran sẽ dẫn tới một “thảm họa kinh tế” đối với các nước phương Tây. Đây không phải là lời đe dọa suông. Dự trữ dầu thô của Iran đứng hàng thứ ba thế giới.

Một cuộc khảo sát do Công ty Rapidan Group của Mỹ thực hiện cho biết các nhà kinh doanh dầu thô ước tính mỗi thùng dầu thô sẽ tăng 11 USD ngay sau khi Israel mở màn cuộc tấn công Iran. Sau 30 ngày, giá dầu sẽ tăng lên 175 USD/thùng.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta. Ảnh: Topnews

Nhật báo Anh Financial Times dẫn lời ông Philip Verleger, một nhà tư vấn độc lập, dự báo nếu eo biển Hormuz đóng cửa, giá dầu có thể tăng lên 200 USD/thùng. Verleger từng tiên đoán chính xác giá dầu hồi tháng 8-1990 sau khi Iraq xâm lăng Kuwait.

Ông Verleger, trong một công trình nghiên cứu tác động của dầu thô Iran lên thế giới nếu có xung đột vũ trang ở Trung Đông, giải thích rằng sở dĩ giá dầu có thể tăng cao như vậy là do Trung Quốc và Ấn Độ, hai nước nhập khẩu dầu thô của Iran lớn nhất, tranh mua để bù đắp thiếu hụt. Lúc đó, một kịch bản khủng hoảng dầu tương tự như hồi cuối thập niên 1970 sau khi chế độ vua Shah Iran sụp đổ sẽ xảy ra.

Viễn ảnh kinh hoàng

Bên lề Hội nghị Cấp cao An ninh châu Á tổ chức mới đây tại St.Petersburg, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev đã cảnh báo rằng tấn công Iran sẽ gây ra một thảm họa ở Trung Đông. Ông nói: “Chúng ta cần hạ hỏa và tiếp tục thảo luận một cách xây dựng mọi vấn đề ở Trung Đông, bao gồm cả vấn đề chương trình hạt nhân của Iran”.

Rất nhiều chuyên gia Âu Mỹ cũng có chung nhận định: Một cuộc tấn công vào Iran sẽ đẩy khu vực Trung Đông vào một cuộc xung đột vũ trang toàn khu vực với những hậu quả nghiêm trọng và khó lường.

Giáo sư Richard Russel công tác tại Đại học Quốc phòng Mỹ tin rằng nếu Israel tấn công Iran, các đồng minh của Iran sẽ dùng chiến thuật du kích đánh trả Israel. Phe Hamas ở phía Nam và phe Hizbollah ở phía Bắc có khả năng mỗi ngày bắn cả trăm quả tên lửa vào Israel. Ai cũng biết sau cuộc chiến thứ hai ở Lebanon, Hizbollah đã tăng cường kho tên lửa của mình. Hamas và Hizbollah có thể gây khó khăn cho Israel vì bị tấn công tứ phía từ Iran, Palestine và Lebanon.

Eo biển Hormuz- tuyến đường vận chuyển 40% lượng dầu thô của thế giới. Ảnh: NASA

Cho rằng Mỹ xúi giục Israel đánh mình, Iran cũng sẽ tấn công các căn cứ quân sự, tàu chiến Mỹ, tòa đại sứ và những cơ sở lợi ích của Mỹ ở các nước vùng Vịnh. Hành động này buộc Mỹ phải đánh trả Iran.

Ông Barah Mikail, một chuyên gia về Trung Đông, cũng cho rằng Iran sẽ kích động các tổ chức thân Iran ở Iraq và Afghanistan tấn công liều chết vào những cơ sở lợi ích của Mỹ và các nước phương Tây ở hai nước này. Như thế sẽ có cả chiến tranh quy ước và chiến tranh du kích toàn khu vực, một viễn ảnh thật sự kinh hoàng.

Nhà báo Simon Jenkins, trong một bài xã luận đăng trên nhật báo The Guardian, lưu ý rằng những quả bom phương Tây không thể chinh phục được Tehran. Israel có thể được tạm yên nhưng nước này và các nước phương Tây sẽ không được “ăn ngon, ngủ yên” bởi sẽ bị khủng bố liên tục.

Bài xã luận của nhật báo Israel Yediot Aharonot gần đây, sau khi nhắc lại những cuộc không kích cơ sở hạt nhân của Iraq năm 1981 và của Syria năm 2007, cảnh báo rằng Iran không dễ bắt nạt như hai nước vừa kể. Hơn 10 năm qua, Iran đã biết trước thế nào cũng bị Israel tấn công, cho nên đã thực hiện nhiều biện pháp bảo vệ các nhà máy làm giàu uranium mà phần lớn có dạng boong-ke chôn sâu trong lòng đất. Iran cũng phát triển một hệ thống phòng không hiện đại.

Đặc biệt, bài xã luận lưu ý chính quyền Tel-Aviv rằng Iran có thể bắt sống được cả chục phi công Israel và cái giá phải trả không chỉ là 1.000 tù nhân Palestine đổi lấy binh nhì Gilad Shalit, mà còn hơn thế nữa.

VĂN ANH

Nhận bài viết mới qua E-mail:
*Vui lòng click vào Link được gửi vào hộp thư của bạn để xác nhận*

Đăng Nhận xét của bạn!

Bạn có thể để lại nhận xét của mình và tuân thủ theo các nguyên tắc sau:
» Nội dung nhận xét phải nghiêm túc, không dung tục và không Spam.
» Bạn có thể sử dụng các tài khoản: Google, WordPress, AIM, Liveournal ... để viết nhận xét.
» Nếu không có tài khoản, bạn vẫn có thể viết nhận xét bằng cách chọn hồ sơ là Tên/URL hay Ẩn danh.
Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

 
Đối tác | Phong thuy | Tài Chính - Kế Toán | Truyện Tranh Online | Code1k.com | Movang.info | Quần Áo Rẻ Đẹp | 123 Mua Nhanh | SucManhSEO™ | Dịch Thuật Việt |

Hot Defence | ©2008 - 2010 All Rights Reserved by Khanh Nguyen | Website được xây dựng trên nền Blogspot | Xem tốt nhất trên trình duyệt FireFox.

Xin liên hệ Khanh Nguyen qua số ĐT: 016.93.94.95.96
Lượt khách : xxxxx Lượt truy cập : xxxxx
Đầu trang
Giữa trang
Cuối trang