Ảo giác tàu sân bay


TP - Có lẽ cụm từ “tàu sân bay” chưa bao giờ được nhắc nhiều như giai đoạn này, khi các nước lớn nhỏ, để phô trương sức mạnh thực sự (hay cố gắng thổi phồng) đều tìm mọi cách sở hữu chúng, hoặc gia tăng số “căn cứ hải quân nổi” kiểu này.

Tàu USS Theodore Roosevelt (Mỹ).

Theo nhận thức đương thời, hàng không mẫu hạm với khả năng cơ động, đa năng, đặc biệt cho phép chủ sở hữu phát huy sức mạnh không quân không cần căn cứ ở ngoại quốc, được cho là thứ vũ khí tốt nhất để thực hiện các chiến lược an ninh quốc gia.

Trong thực tế, tính từ năm 1945, từ các kịch bản hậu thế chiến liên quan các cuộc tấn công trả đũa Liên Xô hay bắt giữ các lãnh đạo Mặt trận giải phóng Palestine, hàng không mẫu hạm luôn là thành tố quan trọng của quân đội Mỹ.

Một điều không thể phủ nhận: Hàng không mẫu hạm là thành tựu khoa học rất ấn tượng, vì việc làm sao để chiến đấu cơ cất và hạ cánh an toàn trên biển, đặc biệt là trong đêm hay trong các điều kiện thời tiết phức tạp, là rất khó khăn.

Tuy nhiên, việc triển khai, sử dụng các hàng không mẫu hạm không đơn giản, không chỉ về khía cạnh kỹ thuật mà còn cả ở mặt tài chính hay chính trị. Khi triển khai tàu sân bay, chính phủ Mỹ không chỉ phải đối đầu với các nước khác mà ngay cả dân chúng Mỹ hay đảng đối lập cũng có thể lên tiếng chỉ trích vì phí tổn đắt đỏ chi cho hoạt động này.

Do vậy, người ta phải cân nhắc rất kỹ về lợi ích quốc gia khi quyết định triển khai tàu sân bay, điều này cũng đồng nghĩa các nhà điều hành quân sự phải xác định nhiệm vụ nào là tối quan trọng đối với an ninh quốc gia để có thể điều tàu sân bay.

Tàu sân bay là hổ giấy?

Điều đáng ngạc nhiên, theo các chuyên gia, giá trị thực của tàu sân bay gần đây dường như bị giảm sút do những hành động chính trị sai trái. Theo tác giả David Isenberg, từ Trung tâm An ninh Quốc phòng (Mỹ), một số lãnh đạo quốc gia không chắc chắn dám sử dụng vũ lực, nhưng cũng không sẵn sàng chấp nhận sự bất lực của mình, thường quen lấp liếm bằng cách phái hàng không mẫu hạm đến khu vực khủng hoảng, nơi lợi ích quốc gia đang bị đe dọa.

Tàu sân bay được lệnh xuất phát, đi kèm là cả loạt tàu hộ tống. Những cảnh quay được thực hiện ở một vùng biển xa là điều kiện lý tưởng cho những thước phim “quảng bá” của truyền hình. Trong các cuộc chiến gần đây, có vẻ vai trò của các tàu sân bay đối với cuộc khủng hoảng không đáng kể. Đã có người bình luận: Lần tới, nếu đâu đó có khủng hoảng, sẽ lại có tàu sân bay xuất hiện, cùng với đội tàu hộ tống. Nhưng chắc chắn sự hoảng sợ về sự xuất hiện hàng không mẫu hạm sẽ dần giảm đi sau những lần ấy.

Giới hạn của tàu sân bay thực tế không phụ thuộc vào chính nó mà nằm ở số lượng máy bay của quân đội có thể triển khai trên hàng không mẫu hạm. Nếu hải quân Mỹ có 15 hàng không mẫu hạm (thay vì 12 hiện nay), thì nhiều khả năng sẽ không có đủ máy bay để triển khai trên những căn cứ nổi khổng lồ ấy.

Một nghiên cứu năm 1987 cho thấy, hải quân Mỹ đã không thể mua đủ số lượng máy bay cần thiết, điều này cho thấy khoảng cách giữa yêu cầu của hải quân và các bên liên quan. Điều này có vẻ đang lặp lại ở Trung Quốc, khi họ loan báo sắp triển khai tàu sân bay nhưng khả năng các chiến đấu cơ J-15 (tương đương phiên bản dòng Su-33 của Nga) vẫn chưa chắc chắn được phiên chế vì một loạt vấn đề liên quan động cơ và những yếu tố kỹ thuật khác.

Đó là chưa kể các loại máy bay tác chiến đi kèm. Cho đến những năm gần đây, quân đội Mỹ vẫn phải dùng máy bay tác chiến điện tử EA-6B Prowler cũ kỹ có từ chiến tranh Việt Nam và gần đây mới có khả năng chuyển sang loại EA-18 Growler, phát triển từ chiến đấu cơ F/A-18.

Máy bay tác chiến điện tử có nhiệm vụ loại trừ, ngăn cản hoặc làm giảm hiệu quả các hệ thống chỉ huy, khả năng điều khiển vũ khí bằng phương tiện điện tử của đối phương và bảo đảm ổn định tối đa cho hoạt động của các hệ thống trước tác động của đối phương trong chiến tranh.

Về phương diện này, Mỹ còn gặp nhiều vấn đề thì chưa thể nói các quốc gia sở hữu và chuẩn bị sở hữu tàu sân bay có thể giải quyết trong một sớm một chiều.

Tương quan tàu sân bay

Cho đến nay, có 9 quốc gia sở hữu tàu sân bay gồm: Mỹ, Anh, Pháp, Ấn Độ, Nga, Tây Ban Nha, Brazil, Ý và Thái Lan (nước duy nhất ở Đông Nam Á có tàu sân bay). Mỹ có nhiều tàu sân bay nhất, 12 chiếc.

Gần đây, Trung Quốc đang dần trở thành nước thứ 10 sở hữu tàu sân bay. Tuy nhiên, tàu chính thức lộ diện Thi Lang (hoán cải từ tàu Varyag mua từ Ukraine năm 1988) chưa chạy thử, tàu còn lại được giới chức úp mở là “đang được đóng”.

Có tin nói rằng, tàu thứ hai của Trung Quốc chính là tàu Ulyanovsk (Lenin) do Liên Xô thiết kế nhưng chưa được hoàn tất. Bằng cách nào đó, Trung Quốc có được bản vẽ thiết kế của con tàu này. Tin này tới nay chưa được kiểm chứng.

Các chuyên gia đánh giá, về độ hiện đại, không tàu của quốc gia nào sánh được với tàu lớp Nimitz chạy bằng năng lượng hạt nhân của Mỹ, kể cả tàu đang chuẩn bị chạy thử của Trung Quốc. Nga có một tàu là Đô đốc Kuznetsov, nhưng hoạt động cầm chừng vì thường gặp trục trặc động cơ.

Theo trang tin chuyên về quân sự topwar.ru (Nga), các chuyên gia quân sự Mỹ đánh giá, tàu Thi Lang của Trung Quốc có 4 điểm yếu cơ bản.

Thứ nhất, hoạt động ở vùng biển Thái Bình Dương, nơi tập trung trên 10 tàu sân bay các loại của Mỹ và đồng minh.

Thứ hai, máy bay J-15 (theo loan báo, sẽ được triển khai trên Thi Lang) về tính năng kỹ - chiến thuật còn thua kém nhiều so với máy bay F/A-18 dòng E hay F của Mỹ.

Tàu Thi Lang không có các loại máy bay trinh sát (AWACS) và tác chiến điện tử như trên tàu sân bay của Mỹ. Thứ ba, lực lượng hộ tống tàu sân bay của Trung Quốc không có các loại tàu hiện đại (tàu nổi, tàu ngầm) để có thể bảo vệ tàu hiệu quả.

Tàu HTMS Chakri Naruebet (Thái Lan).

Điểm yếu thứ tư và là lớn nhất: Trung Quốc vẫn chưa sản xuất được động cơ có đủ độ tin cậy cho tàu sân bay Thi Lang.
Hiện nay, quân đội Trung Quốc chỉ có hai tàu khu trục Type 052C hộ tống tàu sân bay Thi Lang. Những tàu này có số lượng tên lửa chỉ bằng một nửa và hệ thống radar không có khả năng theo dõi hàng chục mục tiêu như các tàu của Mỹ.

Lực lượng tàu ngầm hộ tống tàu sân bay Thi Lang còn kém hơn nhiều. Hải quân Trung Quốc có hai tàu ngầm Type 093, nhưng không có hệ thống thông tin liên lạc hiện đại dưới nước.

HTMS Chakri Naruebet là tàu sân bay đầu tiên và duy nhất đến thời điểm này của quân đội Thái Lan, có xuất xứ Tây Ban Nha, phiên chế vào quân đội hoàng gia Thái Lan năm 1997. Tàu này chỉ cho phép trực thăng và các chiến đấu cơ có khả năng cất hạ cánh thẳng đứng (như dòng Harriers) hoạt động. Tuy nhiên, do thiếu kinh phí, tàu gần như nằm lì ở căn cứ hải quân Satttahip.


Xuân Thủy

Nhận bài viết mới qua E-mail:
*Vui lòng click vào Link được gửi vào hộp thư của bạn để xác nhận*

Đăng Nhận xét của bạn!

Bạn có thể để lại nhận xét của mình và tuân thủ theo các nguyên tắc sau:
» Nội dung nhận xét phải nghiêm túc, không dung tục và không Spam.
» Bạn có thể sử dụng các tài khoản: Google, WordPress, AIM, Liveournal ... để viết nhận xét.
» Nếu không có tài khoản, bạn vẫn có thể viết nhận xét bằng cách chọn hồ sơ là Tên/URL hay Ẩn danh.
Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

 
Đối tác | Phong thuy | Tài Chính - Kế Toán | Truyện Tranh Online | Code1k.com | Movang.info | Quần Áo Rẻ Đẹp | 123 Mua Nhanh | SucManhSEO™ | Dịch Thuật Việt |

Hot Defence | ©2008 - 2010 All Rights Reserved by Khanh Nguyen | Website được xây dựng trên nền Blogspot | Xem tốt nhất trên trình duyệt FireFox.

Xin liên hệ Khanh Nguyen qua số ĐT: 016.93.94.95.96
Lượt khách : xxxxx Lượt truy cập : xxxxx
Đầu trang
Giữa trang
Cuối trang