Hồ sơ Hitler: Con nghiện và con bệnh


SK&ĐS - Hitler từng nói: "Ma túy là thứ ma quỷ, nó khiến con người suy nhược toàn thân". Nhưng chính ông ta lại là kẻ nghiện nặng thứ chất kích thích giết người này. Đến thời kỳ cuối Chiến tranh thế giới lần thứ II, Hitler đã nghiện đến mức nếu không có nàng tiên nâu bên cạnh mỗi ngày thì ông ta không thể đi lại sinh hoạt bình thường được.

Liều thuốc kích thích tinh thần...

Theo nhật ký mà một số thư ký của Hitler ghi chép lại, thì từ khoảng năm 1935, Hitler bắt đầu dùng ma túy. Và rất nhanh chóng nghiện nặng thứ chất kích thích ma quỷ này. Năm 1937, Hitler quen biết bác sĩ Moler và mời ông này về làm bác sĩ riêng cho mình. Lúc đó cơ thể Hitler tuy còn khỏe mạnh nhưng đã mắc một số bệnh như viêm đại tràng, bệnh thận mức độ nhẹ và bệnh khớp. Moler ngay lập tức giành được sự "tin cậy và chiều chuộng" của Hitler bởi ông ta là người biết cách làm chủ nhân vui vẻ và hưng phấn. Với sự điều trị của Moler, bệnh tình của Hitler không những không chuyển biến tốt lên mà còn xấu đi, nhưng điều này lại không cản trở sự cưng chiều của Hitler đối với Moler, vì hàng ngày, Moler hầu như đều tiêm chất kích thích cho Hitler. Càng ngày, Hitler càng cảm thấy không thể rời xa các chất do Moler cung cấp. Ông ta coi Moler là vị cứu tinh của mình, cho rằng nếu không có Moler chắc mình đã không có đủ tỉnh táo và tinh thần tốt để lãnh đạo đội quân phát xít.

Mùa xuân năm 1941, Hitler bắt đầu chuẩn bị tập kích Liên Xô. Ngày 22/6/1941, Hitler có bài phát biểu quan trọng trước cuộc họp Quốc hội Đức. Để chuẩn bị cho buổi diễn thuyết chính thức này, tối hôm trước, Hitler đã đứng ngồi không yên để luyện tập cho đến 5 giờ sáng, sau đó, Hitler nằm vật ra giường, ngủ đến 8 giờ. Do hưng phấn cả đêm, nên giọng nói của Hitler bị khản đặc, mắt sưng mọng. 10 giờ ngày 22/6/1941, trước khi xuất phát, Hitler cho gọi Moler đến để tiêm cho mình một mũi thuốc kích thích liều cao. Hitler lấy lại tinh thần và đi đến Viện Ca kịch Berlin, tại đây các quan chức, sĩ quan cao cấp và công chúng bên ngoài đã tập trung đông đủ. Trong buổi diễn thuyết này, chất kích thích đã giúp cho Hitler có được sự thể hiện bộ mặt tốt nhất, khiến cho bài diễn thuyết của ông được đông đảo thính giả hưởng ứng nhiệt liệt. Ngay sau khi kết thúc diễn thuyết, vào lúc 11 giờ ngày 22/6/1941 (giờ Berlin), Đức phát động tập kích Liên Xô - quốc gia đã cùng họ ký kết điều ước không xâm phạm lẫn nhau. Từ đó về sau, để Hitler có trạng thái hưng phấn cao, có thể chủ trì 2 lần hội nghị giao ban quân sự mỗi ngày (sáng, chiều), Moler đành phải tăng cao dần liều lượng chất kích thích cho mỗi lần tiêm thuốc trước khi Hitler bước vào các cuộc họp quan trọng.

Những lúc "tàn chất kích thích", người ta thấy Hitler với phong thái rất mệt mỏi tại nơi làm việc, kéo lê chân đi bộ chậm chạp hoặc ngồi thẫn thờ trên ghế sofa xem bản đồ.

Hitler và vợ Eva Braun.

Và phá hủy thể xác

Ngày 30/1/1943, trong lễ kỷ niệm 10 năm Hitler lên nắm quyền, người ta thấy sắc mặt Hitler nhợt nhạt trắng bệch. Hitler suốt đêm trước không chợp mắt được vì tin báo về tình hình của quân Đức tại Stalingrat đang tiếp tục xấu đi. Quân Đức chiến bại ở Stalingrat là đòn đánh nặng nề đối với Hitler. Nếu không có chất kích thích của Moler thì Hitler đã bị suy sụp mạnh.

Ngoài ra, để Hitler có cảm giác khỏe mạnh, Moler còn cho Hitler uống một số loại sản phẩm thuốc phiện có tác dụng trấn tĩnh. Thất bại liên tiếp trong chiến tranh và sự "tàn phá" của chất kích thích khiến thần kinh của Hitler ngày càng thay đổi; Hitler rất dễ nổi cáu cho dù chỉ là một sự việc nhỏ. Có khi không vừa ý vì cổ áo hơi chật làm cản trở máu tuần hoàn; có khi vì ngứa trên người, tai, cổ phải gãi chảy cả máu... Hitler còn mắc bệnh mờ mắt, thường phải uống thuốc.

Nhật ký của một số người phục vụ Hitler cho biết, buổi tối trước khi đi ngủ, Hitler luôn yêu cầu phải làm ấm chăn và gối đầu. Hitler luôn cảm thấy như thiếu không khí, yêu cầu trong phòng ngủ đặt sẵn một bình ôxy, thỉnh thoảng sử dụng. Hitler cũng thích làm việc trong phòng nhiệt độ thấp (dùng chất kích thích, cơ thể luôn cảm thấy nóng) và cho rằng, nhiệt độ thấp sẽ tạo hiệu quả nâng cao tinh thần gây hưng phấn, cho nên, Hitler yêu cầu nhiệt độ trong các phòng họp phải luôn duy trì 12oC.

Tháng 2/1944, Hồng quân Liên Xô liên tục tấn công, tinh thần quân Đức ngày càng giảm sút, Hitler tóc bạc trắng, lưng còng thêm, tay trái run nhiều hơn... Tháng 5/1944, Liên Xô chiếm lại được Krưm (thủ đô Belarus hiện nay), quân Đức buộc phải rút lui toàn tuyến, Hitler càng không yên lòng. Mỗi lần hội nghị quân sự đều khiến ông ta như bốc lửa, lớn tiếng quát tháo. Có lần, vì nổi cáu, nói nhiều mà kiệt sức, vệ sĩ phải dìu Hitler rời khỏi phòng họp và gọi Moler đến, tiêm cho ông ta một mũi chất kích thích liều cao, sau vài phút Hitler liền tỉnh táo.

Đầu tháng 8/1944, tình hình sức khỏe của Hitler càng xấu đi, thường cảm thấy choáng váng đầu óc, chỉ có thể nằm trên giường nghe báo cáo, nhưng vẫn tiêm chích chất kích thích và quát mắng các sĩ quan...

Tháng 2/1945, chuyên gia tai - mũi - họng tiến hành phẫu thuật tai cho Hitler. Phẫu thuật thuận lợi, nhưng cả tuần Hittle không nói một câu nào. Lúc này, nhìn Hitler già yếu nhiều, dáng đi càng thiểu não, đầu óc cũng không còn minh mẫn, thường đưa ra một số quyết định mâu thuẫn nhau. Mắt Hitler cũng bị viêm kết mạc mạn tính. Moler phải cho dùng một loại thuốc tra mắt đặc biệt: thuốc nước cocain, mỗi ngày nhỏ thuốc tới 16 lần và vẫn đều đặn tiêm chất kích thích.

Ngày 19/4/1945, lực lượng xe tăng Liên Xô tiến vào khu vực cách Berlin 30km, tin này giống như trái bom nổ khiến Hitler mất đi sự tỉnh táo. Hội nghị quân sự vừa kết thúc, Hitler kêu hét nói là đầu đau như muốn vỡ, Moler chẩn đoán máu trên đầu không lưu thông liền tiến hành hút máu ra, nhưng lúc này máu của Hitler rất đậm đặc, đông kết rất nhanh, có thể bị tắc mũi kim. Moler đã buộc phải sử dụng loại mũi kim thô hơn, rất khó khăn mới cắm được vào tĩnh mạch của Hitler để lấy máu ra.

Ngày 23/4/1945, tiếng đạn pháo của Liên Xô nã vào trung tâm Berlin làm Hitler đang ốm phải kinh hoàng bừng tỉnh, nhưng sắc mặt lại nhợt bạc, Moler đến tiêm chất kích thích liều cao, sau đó tra thuốc mắt cocain cho Hitler. Người ta thấy, bác sĩ Moler lúc đó cũng mệt mỏi và tay run lẩy bẩy. Trong những ngày bác sĩ Moler và những người ở bên Hitler đều đang nghĩ cách rời bỏ Berlin. Đêm 25/4/1945, Moler trốn khỏi Berlin, nhưng trước khi đi, Moler vẫn để lại một lượng không ít ma túy cho Hitler dùng tiếp. Theo những tài liệu chính thức đang được phổ biến thì vào ngày 30/4/1945, khi Hồng quân Liên Xô rầm rập tiến vào Berlin, Adolf Hitler và vợ là Eva Braun đã cùng tự sát trong hầm ngầm của Quốc trưởng Đức. Thi thể của họ đã được thiêu ngay tại khu vườn nằm phía ngoài hầm ngầm. Tuy nhiên, một số sử gia nghi ngờ về giả thuyết Hitler tự bắn vào đầu. Họ cho rằng đây chỉ là màn kịch của bộ hạ Hitler để tôn vinh ông ta chết "như một vị anh hùng" còn sự thật Hitler đã trốn thoát.

Cho đến nay, người ta vẫn chưa thôi tranh cãi về cái chết của Hitler. Chuyện gì đã thực sự xảy ra tại hầm ngầm của Hitler ngày 30/4/1945 vẫn là một bí ẩn mà lịch sử chưa có câu trả lời trọn vẹn.

Bảo Trân (Theo Historia)
Nhận bài viết mới qua E-mail:
*Vui lòng click vào Link được gửi vào hộp thư của bạn để xác nhận*

Đăng Nhận xét của bạn!

Bạn có thể để lại nhận xét của mình và tuân thủ theo các nguyên tắc sau:
» Nội dung nhận xét phải nghiêm túc, không dung tục và không Spam.
» Bạn có thể sử dụng các tài khoản: Google, WordPress, AIM, Liveournal ... để viết nhận xét.
» Nếu không có tài khoản, bạn vẫn có thể viết nhận xét bằng cách chọn hồ sơ là Tên/URL hay Ẩn danh.
Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

 
Đối tác | Phong thuy | Tài Chính - Kế Toán | Truyện Tranh Online | Code1k.com | Movang.info | Quần Áo Rẻ Đẹp | 123 Mua Nhanh | SucManhSEO™ | Dịch Thuật Việt |

Hot Defence | ©2008 - 2010 All Rights Reserved by Khanh Nguyen | Website được xây dựng trên nền Blogspot | Xem tốt nhất trên trình duyệt FireFox.

Xin liên hệ Khanh Nguyen qua số ĐT: 016.93.94.95.96
Lượt khách : xxxxx Lượt truy cập : xxxxx
Đầu trang
Giữa trang
Cuối trang