“Gót chân A-sin” của Trung Quốc


VIT - Chiến lược quân sự Trung Quốc đang chuyển sang một giai đoạn mới với phương châm nổi bật là “phòng thủ chủ động”. Thực hiện chiến lược đó, Trung Quốc đang tập trung tăng cường sức mạnh quân sự và từng bước tiến hành tác chiến ra phạm vi khu vực và quốc tế. Tuy nhiên, Trung Quốc tiềm ẩn những “Gót chân A-sin” cản trở con đường thực hiện chiến lược của mình.

Các báo cáo thường niên của Mỹ về sức mạnh quân sự Trung Quốc những năm gần đây cho thấy chi phí quốc phòng của Trung Quốc đã tăng tới 16 lần trong vòng 20 năm qua, và điều đáng nói là con số tuyệt đối đến nay chỉ sau Mỹ. Theo tính toán của Lầu Năm Góc, chỉ riêng năm 2009, Trung Quốc đã chi hơn 150 tỷ USD cho quân sự.

Chiến lược đầy tham vọng và sức mạnh quân sự ngày càng lớn mạnh của Trung Quốc đã gây quan ngại cho nhiều nước trong khu vực và trên thế giới. Dư luận cho biết, Mỹ lo ngại loại tên lửa tầm xa của Trung Quốc đủ sức tấn công tàu sân bay của Mỹ ở vùng biển sâu trên Thái Bình Dương, và lực lượng quân sự Trung Quốc đủ sức vươn tới đảo Guam của Mỹ ở phía đông Philippines.

Tuy nhiên, để thực hiện được chiến lược đã đề ra, Trung Quốc phải giải quyết được các vấn đề gây cản trở ngay từ bên trong đất nước của mình.

Những thách thức từ bên trong

Là một quốc gia rộng lớn với diện tích gần 10 triệu km2, dân số xấp xỉ 1400 triệu người, Trung Quốc có những nguy cơ đặc trưng từ bên trong thách thức việc thực hiện chiến lược của mình. Nổi bật nhất là các vấn đề thống nhất đất nước - toàn vẹn lãnh thổ và giữ vững ổn định xã hội.

Từ khi thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tháng 10/1949, vẫn tồn tại một sứ mệnh nhức nhối truyền từ thế hệ lãnh đạo này tới thế hệ lãnh đạo khác của Trung Quốc: Giải phóng Đài Loan, hoàn thành thống nhất đất nước.

Đài Loan, với dân số 23 triệu người và GDP 379 tỷ USD (năm 2009), được Mỹ ủng hộ, là một sức mạnh kinh tế, quân sự đáng kể. Gần đây nhất, vào đầu năm 2010, chính quyền Mỹ đã quyết định một hợp đồng bán vũ khí cho Đài Loan trị giá 6,4 tỷ USD. Trước đây, trang bị vũ khí quân sự của Đài Loan hiện đại hơn của Trung Quốc rất nhiều. Trong các vấn đề quốc tế và khu vực, Đài Loan luôn hành động với tư cách một nhà nước độc lập. Được biết, gần đây nhất, người đứng đầu chính quyền Đài Loan, Mã Anh Cửu đã phát biểu rằng mặc dù hai bên đã ký Hiệp định khung Hợp tác Kinh tế (ECFA), nhưng ông "sẽ không nói về sự thống nhất với Trung Quốc".

Từ hơn năm thập kỷ lại đây, để sẵn sàng ứng phó các tình huống bất thường tại eo biển Đài Loan, Trung Quốc luôn luôn duy trì lực lượng quân sự ưu tiên và triển khai nhiều hệ thống trang bị vũ khí tiên tiến nhất nhằm vào Đài Loan. Theo báo cáo quân sự Trung Quốc năm 2010 của Mỹ, Trung Quốc duy trì lực lượng hải quân tại eo biển Đài Loan gồm 274 tàu chiến các loại so với 107 của Đài Loan; lực lượng máy bay các loại gồm 2750 chiếc trong đó có 530 chiếc bên trong eo biển, so với 431 máy bay của Đài Loan…

Không chỉ có Đài Loan, vấn đề thống nhất Trung Quốc còn bao gồm việc giải quyết, khống chế những hoạt động của các thế lực “chia cắt và độc lập” ở vùng tự trị Uigur- Tân Cương hay khu tự trị Tây Tạng. Các khu vực này luôn đe dọa xảy ra các hoạt động bạo động theo xu hướng ly khai. Dư luận cho biết tại Khu tự trị Tân Cương – Uigur có tổ chức Hội nghị thế giới những người Uigur, hành động theo sự chỉ đạo từ bên ngoài, có mục tiêu dùng bạo lực tách Khu tự trị Tân Cương khỏi Trung Quốc và thành lập tại đây cái gọi là “quốc gia Đông Turkestan độc lập”. Những tổ chức chống đổi ở Tây Tạng thì cho rằng Trung Quốc đã xâm chiếm Tây Tạng vào năm 1951 và họ quyết tâm đấu tranh cho độc lập của mình. Thậm chí một chính phủ lưu vong ở nước ngoài đã được thành lập.

Cùng với các thách thức đe dọa thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc, việc duy trì ổn định xã hội cũng là một vấn đề gặp những nguy cơ to lớn. Xã hội Trung Quốc như một cái “túi” chứa gần 1400 triệu con người. Cái “túi” đó được tạo nên từ các thể chế và ràng buộc về chính trị, kinh tế, dân tộc, văn hóa, đạo đức, lịch sử… Cái “túi” trở nên rất mỏng manh do trong xã hội Trung Quốc đang gặp nhiều vấn đề hết sức nan giải qua quá trình thực hiện cách mạng và phát triển kinh tế.

Một trong các vấn đề nổi cộm nhất là phân liệt giàu nghèo trong xã hội ngày càng gay gắt, vực sâu ngăn cách trình độ phát triển giữa thành thị và nông thôn ngày càng lớn, dẫn tới mâu thuẫn xã hội sâu sắc. Báo cáo của Ngân hàng châu Á mùa hè năm 2007 cho biết có 300 triệu ngưòi Trung Quốc (chủ yếu là nông dân) có thu nhập dưới 1 USD/ngày. Các nguồn tin cho biết tài sản trung bình của một cán bộ cấp Vụ, Cục ở Thâm Quyến gấp khoảng thu nhập trung bình trong 250 năm của một người dân, còn của cán bộ cấp tỉnh là 300 năm; có tới trên chín phần mười người giàu Trung Quốc là con em cán bộ cấp cao trong đó có 29 người có tài sàn tổng cộng là hơn 2000 tỷ NDT…

Mâu thuẫn xã hội phát triển sâu sắc sẽ khiến cái “túi” trên ngày càng kém bền vững và có thể vỡ ra bất cứ lúc nào!

Chiến lược mới với "Phòng thủ chủ động"

Một đặc điểm dễ nhận thấy trong chiến lược quân sự mới của Trung Quốc là đã chuyển từ chiến lược dựa trên sức mạnh “biển người” sang dựa trên sức mạnh kỹ thuật và công nghệ cao. Các số liệu thống kê cho thấy, từ năm 1985 đến nay, quân số thường trực của Quân đội Trung Quốc liên tục giảm mạnh từ một quân số đông nhất thế giới 4,238 triệu xuống còn 1,25 triệu quân.

Việc Trung Quốc xây dựng quân đội hiện đại hóa nhằm các mục tiêu chiến lược không chỉ được thực hiện do điều kiện kinh tế đang phát triển mạnh cho phép, mà còn chủ yếu là, theo định hướng của đường lối lãnh đạo. Trước đây, dưới thời Đặng Tiểu Bình, Trung Quốc đã thực hiện “4 hiện đại hóa” để phát triển nông nghiệp, công nghiệp, khoa học kỹ thuật và quốc phòng. Đặng Tiểu Bình đã nói rằng “Xây dựng kinh tế đối với chúng ta là đại cục, tất cả mọi việc khác phải phục vụ cho mục đích này”, và theo đó, xây dựng quốc phòng chỉ được đặt vào hàng thứ yếu trong thứ tự ưu tiên.

Đường lối mới của Trung Quốc đặt nhiệm vụ xây dựng quân đội, phát triển quốc phòng vào vị trí song song với phát triển kinh tế, thống nhất giữa “phú quốc” với “cường binh”. Đường lối Đại hội Đảng CS Trung Quốc lần thứ 17 vào tháng 10/2007 đã nhấn mạnh việc thực hiện “thống nhất nước giàu và quân mạnh trong quá trình xây dựng một xã hội lành mạnh toàn diện”.

Theo phương châm đó, chi phí cho phát triển sức mạnh quân sự của Trung Quốc sẽ ngày càng cao và không có giới hạn nào theo một nền kinh tế phát triển nhanh chóng và ngày càng hùng mạnh.

Trung Quốc thực hiện đẩy nhanh hiện đại hóa quân đội trong một khung cảnh hòa bình khu vực chưa hề có kể từ ngày lập nước 1/10/1949. Sự uy hiếp của Liên Xô đã tiêu tan từ sau khi kết thúc chiến tranh lạnh năm 1991, tình hình biên giới chung với các nước cơ bản ổn định, sự đe dọa quân sự trong khu vực không hề hiển hiện.

Dư luận cho rằng, việc hối hả hiện đại hóa không quân và hải quân, chế tạo các thế hệ tên lửa đường đạn vượt đại châu hiện đại của Trung Quốc cho thấy về chiến lược họ đang nâng cao năng lực đưa quân đội tham chiến vào những mục tiêu vượt tầm xa hơn eo biển Đài Loan. Điều này có thể thấy được qua những tuyên bố bóng bẩy đầy ngụ ý về vấn đề tranh chấp lãnh thổ hay đảm bảo tài nguyên ở những nơi xa xôi, như trong Sách trắng quân sự 2008 của Trung Quốc đã khẳng định: “cuộc đấu tranh cho tài nguyên chiến lược, các vị trí chiến lược, và ưu thế chiến lược phải được tăng cường”.

Những minh chứng thực tế có thể dẫn ra qua những động thái chính trị, hành chính, quân sự nhằm độc chiếm biển Đông, các tranh chấp với Nhật Bản về việc khai thác mỏ khí đốt và cách phân định khu vực đặc quyền kinh tế ở vùng biển đông Trung Hoa, yêu sách chủ quyền đối với quần đảo Senkaku… trong những khoảng thời gian gần đây.

Học thuyết quân sự mới của Trung Quốc đưa ra khái niệm “Phòng thủ chủ động” thay thế cho phòng thủ truyền thống. Thực chất của “phòng thủ chủ động” là giành quyền chủ động và vô hiệu hóa đối phương một khi kẻ địch gây chiến.

Trong hải quân, “phòng thủ chủ động” được cụ thể hóa thành “phòng thủ chủ động ngoài khơi”. Cùng với việc tăng cường sự chú ý đến các nhiệm vụ ở vị trí xa hơn Trung Quốc, hải quân cũng sẽ duy trì sẵn sàng tác chiến bên trong “các chuỗi đảo thứ nhất và thứ 2” cũng như bên ngoài vùng đặc quyền kinh tế 200 dặm của Trung Quốc, với lưu ý về khả năng xung đột với các lực lượng của Mỹ khi có sự kiện bất thường xảy ra tại eo biển Đài Loan.

Được biết, vào tháng 12/2008, Trung Quốc đã triển khai một hạm đội các tầu chiến tại vùng vịnh Aden, nhằm hỗ trợ các nỗ lực quốc tế chống hải tặc Somalie. Hành động này cho thấy Trung Quốc đã quan tâm và bắt đầu triển khai sức mạnh quân sự vượt ra ngoài khu vực Thái Bình Dương.

Hiện đại hóa quân đội để thực hiện chiến lược mới

Các báo cáo thường niên của Mỹ về quân sự Trung Quốc cho biết, Trung Quốc đang nỗ lực để cải tiến nâng cấp và trang bị vũ khí kỹ thuật hiện đại mới cho các quân binh chủng.

Thực hiện chiến lược toàn cầu trong lĩnh vực hải quân, các nhà chiến lược quân sự của Trung Quốc cho rằng Trung Quốc cần có một số lượng lớn tàu chiến cỡ lớn và vừa, máy bay dùng trên tàu sân bay, cải tiến C4ISR, và thêm các tàu yểm trợ tầm xa.

Hải quân Trung Quốc gồm có 75 đơn vị chiến đấu chính, trên 60 tàu ngầm, 55 tàu đổ bộ cỡ vừa và lớn, và gần 70 tàu tuần tiễu trang bị tên lửa. Trung Quốc có một chương trình nghiên cứu và phát triển tàu sân bay năng động. Trung Quốc có thể chế tạo các tàu sân bay tác chiến hỗn hợp với các tàu hỗ trợ vào thập kỷ tới. Trung Quốc cũng đã có kế hoạch đào tạo 50 phi công phục vụ tác chiến trên tàu sân bay.

Thông tin cho biết một căn cứ mới của hải quân Trung Quốc đang được xây dựng tại đảo Hải Nam. Căn cứ đó có thể thích ứng đủ loại các tàu ngầm tấn công, và mang tên lửa đường đạn cũng như các tàu chiến tiên tiến, đồng thời cho phép các tàu ngầm trực tiếp thâm nhập vào các tuyến đường giao thông quốc tế có ý nghĩa sống còn trên biển và vào các vùng nước sâu của biển Đông một cách bí mật.

Trung Quốc đang quan tâm chế tạo các máy bay kiểm soát và cảnh báo sớm đường không (AEW&C), thu thập tin tức tình báo và cảnh giới biển, gồm KJ-200 và KJ-2000.

Không quân Trung Quốc cũng đã hiện đại hóa loại máy bay chiến đấu- ném bom FB-7A để tăng cường sức mạnh cho các máy bay tấn công đa chức năng. Trung Quốc cũng đang nâng cấp phi đội máy bay ném bom B-6 có khả năng mang theo tên lửa không đối địa tầm xa, đủ sức bắn tới chuỗi đảo thứ hai. Mặt khác, năng lực và phương tiện tiếp liệu trên không cũng được phát triển, mà theo Lầu Năm Góc, cho phép mở rộng các chiến dịch không quân xuống đến Biển Đông.

Trung Quốc có chương trình tên lửa đạn đạo và hành trình phóng từ đất liền năng động nhất trên thế giới. Họ đang phát triển và phóng thử các tên lửa tiến công, nâng cấp các hệ thống tên lửa đã có, và phát triển các phương pháp chống tấn công bằng tên lửa đạn đạo.

Trong chương trình tên lửa của mình, Trung Quốc đang phát triển các tên lửa đạn đạo chống ngầm và chống hạm (kể cả tàu sân bay), như loại tên lửa dựa trên phiên bản CSS-5. Trung Quốc đã sản xuất được các tên lửa đường đạn vượt đại châu có khả năng mang đầu đạn hạt nhân, nhiên liệu rắn, bệ phóng cơ động DF-31và DF-31A và có thể đã được triển khai năm 2006-2007. DF-31A, có tầm bắn 11.200 km, có thể bắn tới bất kỳ vị trí nào trên đất Mỹ.

Trung Quốc cũng đang phát triển một loại tên lửa đường đạn mới phóng từ tàu ngầm JL-2, có thể triển khai trên tàu ngầm năng lượng hạt nhân mới lớp Tấn. Tên lửa có tầm bắn tối thiểu 7.200 km và sẽ tạo cho Trung Quốc khả năng tấn công hạt nhân từ biển.

Song song với việc phát triển các lực lượng trên, Trung Quốc cũng đang nỗ lực chiếm lĩnh các công nghệ quân sự vũ trụ và thông tin tiên tiến và đã đạt những kết quả làm cho dư luận đáng lo ngại. Được biết, trong tháng 1/2007, Trung Quốc đã phóng tên lửa đạn đạo phá hủy thành công một trong số các vệ tinh của họ và sự kiện này đã làm dấy lên một sự phản ứng mạnh mẽ trên thế giới.

Sức mạnh quân sự của Trung Quốc làm cho thế giới lo ngại. Bộ trưỏng Quốc phòng Mỹ Robert Gates đã nói: “Việc (Trung Quốc tiến hành) hiện đại hóa trong những lĩnh vực này có thể đe dọa các phương tiện cơ bản của Mỹ trong việc triển khai sức mạnh và giúp đỡ các đồng minh tại Thái Bình Dương...”

PV (Tổng hợp)
Nhận bài viết mới qua E-mail:
*Vui lòng click vào Link được gửi vào hộp thư của bạn để xác nhận*

Đã có
1
nhận xét:

Pig on 01:05 22/8/10 nói...

vậy thì gót chân asin của khựa là chỗ nào vậy a :(( thấy chúng nó vượt trội với đài loan, đàn áp thẳng tay các khu vực li khai :-< chẳng có dấu hiệu nào gọi là dễ nhằn cả

Bạn có thể để lại nhận xét của mình và tuân thủ theo các nguyên tắc sau:
» Nội dung nhận xét phải nghiêm túc, không dung tục và không Spam.
» Bạn có thể sử dụng các tài khoản: Google, WordPress, AIM, Liveournal ... để viết nhận xét.
» Nếu không có tài khoản, bạn vẫn có thể viết nhận xét bằng cách chọn hồ sơ là Tên/URL hay Ẩn danh.
Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

 
Đối tác | Phong thuy | Tài Chính - Kế Toán | Truyện Tranh Online | Code1k.com | Movang.info | Quần Áo Rẻ Đẹp | 123 Mua Nhanh | SucManhSEO™ | Dịch Thuật Việt |

Hot Defence | ©2008 - 2010 All Rights Reserved by Khanh Nguyen | Website được xây dựng trên nền Blogspot | Xem tốt nhất trên trình duyệt FireFox.

Xin liên hệ Khanh Nguyen qua số ĐT: 016.93.94.95.96
Lượt khách : xxxxx Lượt truy cập : xxxxx
Đầu trang
Giữa trang
Cuối trang