Chương trình hạt nhân của Iran: 9 câu hỏi bỏ ngỏ


TG&VN - Trong khi cộng đồng quốc tế, đặc biệt là phương Tây, luôn bày tỏ “quan ngại” về chương trình hạt nhân của Iran và đưa ra nhiều biện pháp trừng phạt thì Teheran vẫn tuyên bố “không từ bỏ các quyền nhất định của mình”. Vậy tại sao Iran vẫn quyết tâm phát triển Chương trình hạt nhân bằng mọi giá và phát triển như thế nào?

1. Hình thành như thế nào?

Những tham vọng hạt nhân của Iran xuất hiện từ những năm 1960 từ thời Quốc vương Mohammad Reza Pahlavi - vị Vua của các vị vua thuộc triều đại Pahlavi ở Iran. Đến năm 1979, Đại giáo chủ Ayatollah Khomeini cho rằng mục đích hạt nhân không phù hợp với luật của đạo Hồi và xóa bỏ các ký kết về lĩnh vực này. Tuy nhiên, ba năm sau cuộc chiến tranh với Iraq và trước các mối đe dọa từ các loại vũ khí hoá học của Iraq, Iran lại một lần nữa muốn sở hữu vũ khí nguyên tử. Để đạt được mục đích này, họ đã nhằm tới Pakistan, quốc gia Hồi giáo duy nhất có thể sản xuất được urani làm giàu.

Nhà máy điện hạt nhân Bushehr - Iran.

Các cuộc thảo luận đầu tiên giữa Iran và Pakistan về công nghệ hạt nhân bắt đầu từ năm 1984. Ba năm sau đó, hai bên đã ký kết một thỏa thuận hợp tác chính thức trong lĩnh vực này. Vị cha đẻ của bom hạt nhân Pakistan - Abdul Qadeer Khan, đã hứa cung cấp cho Iran các thành phần cần thiết để chế tạo máy ly tâm - loại máy làm giàu urani – thế hệ thứ nhất (P-1). Tại thành phố Natanz, miền Trung Iran, nước này đã cho xây dựng một tổ hợp hạt nhân, trong đó có một nhà máy chủ đạo nổi trên mặt đất với 984 máy ly tâm và một cơ sở chính ngầm dưới lòng đất có thể chứa tới 54.000 máy ly tâm phục vụ cho quá trình làm giàu urani. Cùng lúc, Iran cũng quan tâm đến công nghệ phát triển plutoni và cho xây dựng bí mật tại thành phố Arak một lò phản ứng nước nặng có thể sản xuất được nhiên liệu phục vụ mục đích quốc phòng. Năm 1994, Iran đã ký tiếp thoả thuận thứ hai với Abdul Qadeer Khan cho việc cung cấp các máy ly tâm thuộc thế hệ thứ hai (P-2). Đến năm 1997, Iran đã nhận được 3 máy P-2.

2. Chương trình hạt nhân của Iran đã đi đến đâu?

Nhà máy hạt nhân Natanz đã được vận hành từ năm 2006 và đã sản xuất được 1508 kg urani làm giàu ở mức 20%. Số nguyên liệu này đủ để chế tạo một quả bom nguyên tử nếu được làm giàu thêm ở cấp độ cao hơn. Lò phản ứng nước nặng ở Arak sẽ đưa vào vận hành trong năm 2010 và về lý thuyết, có thể cho phép người Iran chế tạo được một quả bom hạt nhân plutoni trong thời gian khoảng ba năm. Tuy nhiên, các số liệu cụ thể và chính xác có lẽ khó có ai biết được, kể cả IAEA.

3. Liên quan đến mục đích quân sự hay không?

Thực tế là việc làm giàu urani ở Iran không vi phạm Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) mà nước này đã phê chuẩn năm 1970. Thế nhưng, trong chương trình hạt nhân của họ lại có nhiều dấu hiệu khiến cộng đồng quốc tế hết sức quan ngại như việc xây dựng các cơ sở hạt nhân ở Natanz và Arak một cách bí mật; hoạt động nhập khẩu những nguyên liệu nhạy cảm mà không khai báo; chương trình phát triển tên lửa đạn đạo và nhất là việc IAEA phát hiện một tài liệu của Pakistan hướng dẫn xây dựng các tháp cầu cho nhà máy tinh chế urani - một kỹ thuật chỉ được áp dụng khi sản xuất bom – vào năm 2003 tại Natanz… Ngoài ra, thêm một dấu hiệu hoài nghi nữa như việc Iran không hề có một nhà máy điện nào có khả năng sử dụng urani làm giàu được sản xuất ở Natanz. Mặc dù urani được làm giàu ở Natanz chỉ đạt cấp độ thấp, nhưng điều này có thể biến Iran trở thành một quốc gia gần tiếp cận được với công nghệ hạt nhân vì các mục đích phi dân sự.

4. Iran có bom nguyên tử thực sự thì sao?

Phương Tây lo ngại một ngày nào đó nếu Iran làm chủ được công nghệ hạt nhân và chương trình tên lửa đạn đạo, rất có thể nước này sẽ “dạy” cho Israel hoặc bất kỳ một quốc gia nào khác được coi là mục tiêu của Teheran một bài học. Trái lại, cũng có thể phương Tây sẽ phải đồng ý để Iran tham gia vào câu lạc bộ nguyên tử để đổi lấy sự nhượng bộ của nước này trong các vấn đề địa chính trị ở Trung Đông. Sự trỗi dậy của một Iran hạt nhân có thể gây ra một cuộc chạy đua hạt nhân trong khu vực bởi sẽ rất khó để thuyết phục được các quốc gia Hồi giáo khác như Arap Saudi hay Ai Cập từ bỏ cuộc chạy đua hạt nhân nếu Iran làm được điều này.

5. Phản ứng của cộng đồng quốc tế ra sao?

Trước hết, phương Tây và Nga đã tìm cách khích lệ Iran thông qua một chương trình hạt nhân dân sự. Thế nhưng, ngày 6/8/2005, Teheran đã bác bỏ đề xuất của Liên minh châu Âu (EU) giúp Iran xây dựng một chương trình hạt nhân hoàn toàn dân sư và với mục đích kinh tế chứ không phải nhằm phát triển và phổ biến vũ khí hạt nhân. Do đó, từ tháng 12/2006, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Mỹ và EU đã thông qua hàng loạt các biện pháp cấm vận chống Iran như phong tỏa các ngân hàng chủ đạo của Iran, kêu gọi Teheran nối lại đàm phán. Washington cũng đang muốn cấm vận Iran về mọi hoạt động nhập khẩu xăng (mặc dù là quốc gia sản xuất dầu thô lớn trên thế giới, nhưng Iran vẫn không có được công nghệ lọc dầu và phải nhập khẩu tới 40% cho nhu cầu tiêu thụ xăng trong nước). Và mới đây, ngày 26/7 EU đã áp dụng một lệnh cấm vận mới được cho là mạnh nhất nhằm vào nước này. Tuy nhiên, không phải tất cả các nước phương Tây, EU và Mỹ đều đồng quan điểm trong các biện pháp trừng phạt Iran.

6. Iran tiếp tục làm gì?

Tháng 7/2010, Iran đã gửi thư lên Tổng Giám đốc IAEA và nói rằng họ sẵn sàng đàm phán về việc trao đổi nhiên liệu hạt nhân làm giàu 20% để sử dụng cho lò phản ứng nghiên cứu của Teheran. Theo Giám đốc IAEA, ông Akbar Salehi thì Iran đã hoàn tất việc xác định vị trí xây dựng và sẽ làm tiếp 10 nhà máy làm giàu urani vào đầu năm 2011 trong khi một cơ sở làm giàu urani đang được xây dựng ở thành phố Qom, cách Teheran khoảng 100 km. Đồng thời Nga và Iran cũng vừa tuyên bố sẽ cho khởi động nhà máy điện hạt nhân Bushehr trong tháng 8/2010. Đây là nhà máy điện hạt nhân dân sự duy nhất của Iran do Nga xây dựng từ năm 2005 nhưng cho đến nay, Nga vẫn chưa cung cấp nhiên liệu cho nhà máy này hoạt động. (Đã chính thức cung cấp nhiên liệu hạt nhân vào ngày 21/8/10).

7. Iran có đơn độc?

Có thể Iran có rất ít đồng minh cho chương trình hạt nhân của họ, thế nhưng họ lại có 2 thành viên trong nhóm P5 bên cạnh một số nước khác như Syria, Triều Tiên hay Venezuela… Nga đang muốn tranh thủ giải quyết những mâu thuẫn của họ với Terheran bởi Moscow lo ngại một Iran hạt nhân ở ngay bên sườn phía Nam Caucas vốn luôn bất ổn bởi chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan gây ra. Về phần mình, Trung Quốc cũng luôn tìm cách cản trở ý định trừng phạt Iran của LHQ và luôn ủng hộ “những nỗ lực ngoại giao” bởi Teheran là nhà cung cấp dầu thô thứ ba cho Bắc Kinh. Hơn nữa, Bắc Kinh cũng lo sợ việc ủng hộ Liên hợp quốc chống lại Iran sẽ tạo tiền lệ khó cho trường hợp của CHDC Triều Tiên.

8. Israel có tấn công Iran?

Trong chuyến thăm Đức tháng 8/2009, Thủ tướng Israel Benyamin Netanyahu bình luận: “Chúng ta không thể để cho ma quỉ tiến hành huỷ diệt hàng loạt những người dân vô tội được”. Ông Netanyahu cũng không bỏ lỡ cơ hội nhắc lại rằng Tel Aviv sẽ không tha thứ cho bất kỳ hành động đe dọa nào đối với nhà nước Do Thái, nhất là việc chế độ Iran sở hữu bom nguyên tử. Rất có thể Israel sẽ đơn phương hành động bất chấp tín hiệu đèn vàng của Mỹ bằng các vụ tấn công chớp nhoáng hoặc tiến hành cả một chiến dịch kéo dài nhiều tuần. Thế nhưng, những giả thuyết này hiện vẫn chỉ là giả thuyết.

9. Cuộc tranh cãi có lợi cho ai ?

Về ngắn hạn, chắc chắn, Tổng thống Iran Ahmadinejad sẽ phải hứng chịu căng thẳng từ phía Quốc hội Iran liên quan đến chương trình hạt nhân của nước này và có thể bị chỉ trích là người “yếu đuối” trên vũ đài nguyên tử giống như những người tiền nhiệm. Về dài hạn, chiến lược thách thức dai dẳng của chính quyền Teheran cũng sẽ có giới hạn bởi cứ tranh cãi mãi về “quyền sở hữu năng lượng hạt nhân không thể tước bỏ” sẽ không đem lại kết quả trong khi kinh tế Iran đã bị ảnh hưởng rất lớn bởi các lệnh trừng phạt và cấm vận từ bên ngoài.

Phan Văn - (tgvn.com.vn)
Nhận bài viết mới qua E-mail:
*Vui lòng click vào Link được gửi vào hộp thư của bạn để xác nhận*

Đăng Nhận xét của bạn!

Bạn có thể để lại nhận xét của mình và tuân thủ theo các nguyên tắc sau:
» Nội dung nhận xét phải nghiêm túc, không dung tục và không Spam.
» Bạn có thể sử dụng các tài khoản: Google, WordPress, AIM, Liveournal ... để viết nhận xét.
» Nếu không có tài khoản, bạn vẫn có thể viết nhận xét bằng cách chọn hồ sơ là Tên/URL hay Ẩn danh.
Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

 
Đối tác | Phong thuy | Tài Chính - Kế Toán | Truyện Tranh Online | Code1k.com | Movang.info | Quần Áo Rẻ Đẹp | 123 Mua Nhanh | SucManhSEO™ | Dịch Thuật Việt |

Hot Defence | ©2008 - 2010 All Rights Reserved by Khanh Nguyen | Website được xây dựng trên nền Blogspot | Xem tốt nhất trên trình duyệt FireFox.

Xin liên hệ Khanh Nguyen qua số ĐT: 016.93.94.95.96
Lượt khách : xxxxx Lượt truy cập : xxxxx
Đầu trang
Giữa trang
Cuối trang