Ai cầm chìa khóa cho vấn đề hạt nhân Triều Tiên?


DATVIET - Trung Quốc cử Thủ tướng, Bộ trưởng Quốc phòng... sang Triều Tiên với mục đích thúc đẩy tiến trình phi hạt nhân. Tuy nhiên, Bắc Kinh không đóng vai trò chủ đạo trong tiến trình này, mà nó thuộc về Triều Tiên và Mỹ.

Vì sao Triều Tiên cần vũ khí hạt nhân?

Để có sức mạnh hạt nhân như ngày hôm nay, Triều Tiên phải hy sinh rất nhiều thứ, đặc biệt là từ bỏ các chương trình cải cách kinh tế, chấm dứt một số dự án hợp tác với Hàn Quốc...khiến kinh tế ngày suy yếu, đời sống nhân dân khó khăn, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế thế giới suy thoái, Triều Tiên bị thắt chặt cấm vận...

Vậy mà Bình Nhưỡng vẫn không tiếc tiền, tiếc của đầu tư vào lĩnh vực này bởi họ tin rằng, sở hữu vũ khí hạt nhân là biện pháp hiệu quả nhất trong tình hình hiện tại, giúp nước này giải quyết được hàng loạt khó khăn.


Thứ nhất, Triều Tiên cần một loại vũ khí đánh chặn để chống lại các cuộc tấn công từ nước ngoài. Trên thực tế, nếu Bình Nhưỡng hay bất kỳ nước nào sở hữu vũ khí hạt nhân thì không ai có thể dùng sức mạnh ngăn cản được. Do vậy, bản chất chiến lược của Triều Tiên là trở thành là nước sở hữu hạt nhân, cường quốc về hạt nhân và tên lửa, tiến tới trở thành cường quốc quân sự, đảm bảo an ninh quốc phòng.

Thứ hai, Bình Nhưỡng cần vũ khí hạt nhân cho các mục tiêu trong nước bởi những thành công về loại khí tài này là thắng lợi lớn nhất, dễ nhìn thấy nhất của chính quyền của ông Kim Jong-Il. Nó cũng là lời "giải đáp" cho những khó khăn kinh tế, là lời "động viên" hàng chục triệu nhân dân vượt qua khó khăn; cũng như khích lệ niềm tự hào về dân tộc; củng cố chính quyền.


Triều Tiên - Trung Quốc: tình nghĩa và lợi ích

Muốn thuyết phục Triều Tiên phi hạt nhân, cộng đồng quốc tế, đặc biệt là Trung Quốc phải giải đáp được hai vấn đề trên, đặc biệt là đảm bảo an ninh cho Triều Tiên, giúp họ yên tâm về an ninh để Bình Nhưỡng "yên tâm" từ bỏ vũ khí hạt nhân.

Nhận thức được điều này, trong chuyến thăm Triều Tiên của Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt đang diễn ra, ông Liệt tuyên bố: “Không một lực lượng nào trên thế giới có thể phá vỡ sự đoàn kết của quân đội và nhân dân hai nước. Chúng sẽ tồn tại mãi mãi”.

Tuyên bố trên cho thấy, Trung Quốc một lần nữa chính thức khẳng định sự đảm bảo an ninh và dường như chắc chắn là cả những biện pháp cụ thể nhằm đảm bảo với Triều Tiên rằng, Bắc Kinh sẽ bảo vệ họ trong trường hợp Bình Nhưỡng từ bỏ vũ khí hạt nhân.

Chi tiết hơn nữa, đây cũng là lời đảm bảo, nếu chế độ hiện hành ở Triều Tiên sụp đổ, Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc sẽ can thiệp nhằm ổn định tình hình và khôi phục quyền kiểm soát, giống như Bắc Kinh từng làm trong chiến tranh Triều Tiên 1950 - 1953.



Trung Quốc đưa ra đảm bảo trên, ngoài việc xuất phát từ quan hệ truyền thống tốt đẹp với Triều Tiên, còn vì việc Bắc Kinh không thể để Bình Nhưỡng sụp đổ.

Thứ nhất, Trung Quốc cần Triều Tiên như là một vùng đệm với những nước "đối nghịch" như Hàn Quốc, Nhật Bản... Việc có đồng minh Triều Tiên, vùng Đông Bắc của Trung Quốc ổn định về an ninh hơn rất nhiều.

Thứ hai, việc duy trì một Bình Nhưỡng thân cận còn đem lại cho Bắc Kinh tiềm năng lớn về kinh tế: Trung Quốc hy vọng tình hữu nghị sẽ đảm bảo cho họ "độc quyền" thị trường Triều Tiên, cũng như đem lại cho Bắc Kinh thị phần lớn trong nguồn tài nguyên khoáng sản giàu có chưa được khai thác trên miền Bắc bán đảo này. (Ước tính các mỏ khoáng sản của Triều Tiên trị giá 6.000 tỷ USD, là nguồn cung dư thừa cho nền kinh tế đang phát triển "thần tốc" của Trung Quốc").

Trái tim không để trên đầu

"Yêu quý" Triều Tiên như vậy nhưng Trung Quốc không thể để Bình Nhưỡng muốn làm gì thì làm, đặc biệt là việc Triều Tiên theo đuổi tham vọng hạt nhân bởi việc này tạo ra nhiều thách thức lớn với Bắc Kinh.

Với việc Triều Tiên tiếp tục phát triển năng lực hạt nhân, Hàn Quốc và Nhật Bản hoàn toàn có cớ (đảm bảo an ninh) để tăng cường sức mạnh quân đội: tăng chi phí quốc phòng, triển khai thêm nhiều hệ thống phòng thủ và thậm chí là phát triển vũ khí nguyên tử để cân bằng sức mạnh, răn đe Triều Tiên.

Với tiềm lực kinh tế hùng mạnh (Nhật xếp thứ 2, Hàn Quốc xếp thứ 11 thế giới), sở hữu công nghệ sản xuất điện hạt nhân tiên tiến (rất gần với việc sản xuất vũ khí nguyên tử), cũng như có trình độ cao trong việc phóng vệ tinh (gần công nghệ phóng tên lửa)…thì hai nước này có thể sản xuất hàng loạt tên lửa hạt nhân. Và như nhiều chuyên gia dự đoán, Nhật Bản dễ dàng sản xuất hàng trăm tên lửa hạt nhân chỉ trong…6 tháng.

Và khi hai nước này có vũ khí hạt nhân, ưu thế của Bắc Kinh trong lĩnh vực nguyên tử bị suy giảm và thậm chí bị Nhật còn cân bằng, thậm chí vượt qua. Lúc đó, Nhật Bản và Hàn Quốc có lẽ không “ngại” Trung Quốc như hiện nay mà tự tin hơn nhiều, đặc biệt khi phải tranh luận về các vùng lãnh thổ còn tranh chấp. Lúc đó, vị thế của Trung Quốc "bỗng dưng suy giảm", kéo theo hàng loạt rắc rối khác.


Đặc biệt, việc Hàn Quốc và Nhật Bản sở hữu vũ khí nguyên tử có thể còn thúc đẩy đảo Đài Loan tiếp bước các nước này. Đối với Trung Quốc, đây là điều không thể chấp nhận được bởi với vũ khí nguyên tử, Đài Bắc có thể sẽ tuyên bố độc lập và ước mơ thống nhất đất nước về một mối càng xa vời.

Chưa dừng lại, việc Triều Tiên có vũ khí hạt nhân còn tạo cớ cho Mỹ đóng quân ở Nhật Bản, Hàn Quốc (với lý do bảo vệ hai đồng minh), tạo áp lực lớn lên Trung Quốc đang "ẩn mình chờ thời".

Theo tính toán của hãng Goldman Sachs, kinh tế của Triều Tiên thống nhất có thể sánh ngang Nhật Bản vào năm 2050.

Tính xa hơn, trong trường hợp Triều Tiên thống nhất với Hàn Quốc, Bắc Kinh sẽ phải đối phó với một đối thủ mới có sức mạnh khổng lồ: vũ khí hạt nhân của Triều Tiên và sức mạnh kinh tế của Hàn Quốc.

Chìa khóa không nằm trong tay Trung Quốc

Trung Quốc muốn phi hạt nhân, đảm bảo an ninh cho Triều Tiên, kêu gọi nước này quay lại bàn đàm phán 6 bên...nhưng có lẽ, tất cả những ý định đó chỉ dừng lại ở mức nỗ lực. Bởi như Bình Nhưỡng tuyên bố, việc có quay lại bàn đàm phán 6 bên hay không phụ thuộc vào cuộc đối thoại song phương với Mỹ.


Nói cách khác, giống nhà nghiên cứu Aleksandr Vorontsov khẳng định: "Yêu cầu cơ bản của Triều Tiên là về an ninh, tiếp đó là dầu, hỗ trợ kinh tế, hay các biện pháp được cho là đền bù cho việc Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình hạt nhân. Những tác nhân đó rất quan trọng, trong đó ưu tiên số một là an ninh để duy trì sự sống còn của đất nước. Bình Nhưỡng thường xuyên nói công khai về điều đó với đích nhắm là Washington, bởi xung đột giữa Triều Tiên và Mỹ đang là cốt lõi và nguồn gốc của toàn bộ vấn đề phi hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên".

Chìa khóa cho vấn đề Triều Tiên không nằm trong tay Trung Quốc mà thuộc về Mỹ, Triều Tiên. Washington phải xóa tan lo lắng về an ninh của Bình Nhưỡng trước khi xử lý những vấn đề khác.

Trần Lâm (tổng hợp)

Nhận bài viết mới qua E-mail:
*Vui lòng click vào Link được gửi vào hộp thư của bạn để xác nhận*

Đăng Nhận xét của bạn!

Bạn có thể để lại nhận xét của mình và tuân thủ theo các nguyên tắc sau:
» Nội dung nhận xét phải nghiêm túc, không dung tục và không Spam.
» Bạn có thể sử dụng các tài khoản: Google, WordPress, AIM, Liveournal ... để viết nhận xét.
» Nếu không có tài khoản, bạn vẫn có thể viết nhận xét bằng cách chọn hồ sơ là Tên/URL hay Ẩn danh.
Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

 
Đối tác | Phong thuy | Tài Chính - Kế Toán | Truyện Tranh Online | Code1k.com | Movang.info | Quần Áo Rẻ Đẹp | 123 Mua Nhanh | SucManhSEO™ | Dịch Thuật Việt |

Hot Defence | ©2008 - 2010 All Rights Reserved by Khanh Nguyen | Website được xây dựng trên nền Blogspot | Xem tốt nhất trên trình duyệt FireFox.

Xin liên hệ Khanh Nguyen qua số ĐT: 016.93.94.95.96
Lượt khách : xxxxx Lượt truy cập : xxxxx
Đầu trang
Giữa trang
Cuối trang