J-10, 'con cưng' của không quân Trung Quốc


Mặc dù J-11 và Su-30MK2 là những chiến đấu cơ hiện đại nhất, nhưng J-10 mới là đứa "con cưng", là xương sống của không quân Trung Quốc.

Trong biên chế không quân Trung Quốc, Chiến đấu cơ Su-30MK2 phụ thuộc quá nhiều vào nguồn cung từ Nga, nhất là phụ tùng thay thế. Còn J-11 là phiên bản “nhái” gần như toàn bộ máy bay Su-27, tuy hiện đại nhưng còn nhiều tính năng cần hoàn thiện. Do đó, máy bay J-10 mặc nhiên trở thành "con cưng" của lực lượng không quân nước này.

J-10 là loại tiêm kích đa năng hạng nhẹ một động cơ, có thể thực hiện được tất cả nhiệm vụ đối không, đối đất trong mọi điều kiện thời tiết. Chiếc máy bay này được Viện thiết kế máy bay Thành Đô (Viện 611) thiết kế và công ty sản xuất máy bay Thành Đô (CAC) sản xuất.

J-10 chính thức phục vụ trong quân đội Trung Quốc từ năm 2004 với hai phiên bản J10 và J10S (máy bay huấn luyện hai chỗ ngồi). Tháng 2/2009, Trung Quốc đã công bố phiên bản J-10B được cho là có rất nhiều cải tiến so với bản J-10 nguyên thủy.

Máy bay Cheng Du J-10 trong một căn cứ không quân Trung Quốc

Thành quả hợp tác giữa Trung Quốc với Israel, Pakistan và Nga

Vào đầu những năm 1980, khi những chiếc máy bay thế hệ thứ tư đầu tiên của Nga và Mỹ ra đời (là F-16 và Mig-29), Trung Quốc đã quyết định sẽ phải thiết kế ngay một mẫu máy bay thế hệ thứ tư cho riêng họ với chương trình mang số hiệu 8610.

Tuy nhiên, khi đó quan hệ giữa Liên Xô và Trung Quốc còn nhiều căng thẳng sau xung đột biên giới năm 1969. Do đó, dự án 8610 đã giậm chân tại chỗ trong nhiều năm vì không nhận được sự trợ giúp công nghệ từ Liên Xô.

Đầu năm 1990, tranh thủ thêm sự ủng hộ của một thành viên thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, Israel bí mật chuyển giao cho Trung Quốc nhiều công nghệ thiết kế trong chương trình thiết kế máy bay tiêm kích hạng nhẹ đã hủy bỏ của mình là chiếc Lavi, bao gồm các bản thiết kế hình dáng khí động học và các phần mềm điều khiển bay điện tử.

Đồng thời, để “đáp lễ” những giúp đỡ của Trung Quốc về vấn đề vũ khí hạt nhân, Pakistan chuyển cho Trung Quốc một chiếc F-16 để mổ xẻ nghiên cứu.

Mối quan hệ giữa Trung Quốc và Israel kéo dài không lâu, đến tháng 12/1991, dưới áp lực của Mỹ, Israel ngừng mọi sự hợp tác và chuyển giao công nghệ cho Trung Quốc khi các mẫu thiết kế về động cơ PW1120 và hệ thống radar vẫn chưa được chuyển giao.

Trong lúc khó khăn tưởng chừng lại tiếp tục cản bước dự án 8610 thì Liên Xô tan rã. Vận may đến với Trung Quốc khi nước Nga đồng ý cung cấp cho Trung Quốc động cơ Al-31F cùng các thiết kế về radar để Trung Quốc hoàn thành chiếc máy bay của mình.

Máy bay J-10 (trên) và nguyên mẫu của nó là chiếc IAI Lavi của Israel (dưới)

Sau một vụ tai nạn của một mẫu thử nghiệm J-10 năm 1995, dự án bị đình lại vài năm để xem xét kiểm tra, mãi ba năm sau, chiếc J-10 mới lần đầu cất cánh vào ngày 22/3/1998.

Sau nhiều lần thử nghiệm thành công với 6 mẫu máy bay thử nghiệm, J-10 đã được sản xuất hàng loạt và chính thức được sản xuất và trực chiến vào tháng 7/2004, trong biên chế của Trung đoàn không quân số 132, Sư đoàn 44 đóng ở căn cứ không quân Lữ Lương, tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc.

Thiết kế kỹ thuật

Chiếc J-10 được thiết kế theo kiểu cánh delta liền đuôi với một cặp cánh canard nhỏ ở phía trước, tương tự như loại Eurofighter Typhoon của các nước châu Âu hay JAS-39 Gripen của Thụy Điển.

Thiết kế này giúp máy bay ổn định hơn và giảm được diện tích cách so với kiểu thiết kế với cánh đuôi truyền thống.

So sánh J-10 ( trên cùng) với một số loại máy bay có cùng kiểu thiết kế đã sản xuất trước nó JAS-39 Gripen - Thụy ĐIển (ảnh giữa) và Eurofighter Typhoon (ảnh cuối)

Cửa hút khí duy nhất cho động cơ được thiết kế hình chữ nhật nằm ở phía dưới bụng máy bay. Thiết kế này tạo ra một khoảng trống lớn giữa cửa hút khí và phần thân trước khiến máy bay dễ mất ổn định khi bay tốc độ cao.

Trong phiên bản J-10B, nhà sản xuất đã công bố cửa hút khí kiểu cũ đã bị loại bỏ để thay bằng kiểu cửa hút khí khuếch tán siêu âm (DSI). Kiểu thiết kế này của J-10 khiến máy bay kém ổn định và yêu cầu phần mềm điều khiển bay phức tạp nhưng bù lại máy bay lại có tính thao diễn cao ở tốc độ lớn.

Cửa hút gió của J-10A (trên) nằm cách thân trước máy bay một khoảng nên rất mất ổn định. Loại cửa hút khí này phải gia cố với phần thân bằng 6 thanh kim loại nhỏ gắn với thân (được đánh dấu bằng vòng tròn đỏ trong hình). Tuy nhiên, mức độ gắn kết cũng như là "gắn tăm vào đất sét", nhất là khi máy bay bay với tốc độ cao. J-10B (dưới) đã khắc phục nhược điểm này bằng cách thiết kế lại cửa hút khí theo kiểu DSI

Vị trí buồng lái được đặt ở phần thân trên, đằng trước cặp cánh canard, được thiết kế dạng “bong bóng” giúp phi công có tầm nhìn tốt.

Hệ thống hiển thị trong buồng lái cũng được thiết kế tương tự với các máy bay hiện đại khác với các màn hình LCD hiển thị rõ ràng, hệ thống ngắm bắn và hệ thống màn hình hiển thị thông số bay trên mũ phi công (HMS-Helmet Mounted Sight và HUD- Head up display) giúp phi công dễ dàng quan sát và ngắm bắn hơn trong trận chiến.

Buồng lái Cheng Du J-10

Theo CAC, nhà máy sản xuất J-10, hệ thống radar của J-10 được thừa hưởng sự ưu việt của cả công nghệ Nga và Israel, không hề thua kém so với các máy bay thế hệ thứ tư được sản xuất trong những năm 1990 của các nước khác với khả năng theo dõi tới 10 mục tiêu và dẫn bắn cho tên lửa từ hai đến bốn mục tiêu cùng một lúc.

Hệ thống vũ khí

Vũ khí trên J-10 gồm có một khẩu pháo Type-23 hai nòng 23 mm có tốc độ bắn lên 3.000 - 3.400 phát mỗi phút có khả năng bắn được các loại đạn cháy, xuyên giáp hay vạch đường...

Với 11 mấu cứng (6 trên cánh và 5 ở dưới thân), J-10 có khả năng mang nhiều vũ khí khác với tổng khối lượng lên đến 4.500 kg, tùy thuộc nhiệm vụ:

* Với nhiệm vụ không chiến tầm gần, vũ khí mang theo thường gồm bốn tên lửa không đối không tầm trung PL-11 hoặc PL-12, hai tên lửa không đối không tầm ngắn PL-8 và một thùng xăng phụ 800 lít.

* Với nhiệm vụ không chiến tầm xa, vũ khí mang theo gồm hai tên lửa không tầm trung PL-11/PL-12, hai tên lửa đối không tầm ngắn PL-8, hai thùng xăng phụ 1.600 lít và một thùng xăng loại 800 lít.

* Với nhiệm vụ tấn công mặt đất, J-10 thường mang theo hai tên lửa đối không tầm ngắn PL-8, 6 quả bom dẫn đường laser loại 250 kg (hoặc hai quả loại 500 kg), các loại bình xăng phụ và bộ chỉ điểm mục tiêu bằng laser gắn ngoài.

Khả năng mang tên lửa không đối đất của J-10 cũng khá hạn chế và chưa được kiểm chứng.

Một chiếc J-10B mang đầy vũ khí

Loại động cơ mà J-10 sử dụng vẫn là loại AL-31F của Nga vốn được dùng cho Su-27,30MK... với lực đẩy cực đại 122,5kN, giúp loại máy bay này có tốc độ bay tối đa lên tới Mach 2.0 hay 2.130 km mỗi giờ. Tốc độ tối đa của Mig-21 là 2.500 km mỗi giờ, Mig-29 là 2.400 km mỗi giờ và Su-27 là 2.500 km mỗi giờ...

Tầm bay tuần tiễu tối đa của J-10 là 3.400 km (khi mang theo số lượng tối đa các thùng xăng phụ) và bán kính chiến đấu tối đa của nó là 1.225 km (với lộ trình bay cao) và 725 km ( với lộ trình bay thấp). J-10 cũng có khả năng tiếp dầu trên không, cực kỳ hữu ích cho những nhiệm vụ hành trình dài.

Dù đã mua của Nga 150 động cơ AL-31F với tổng trị giá lên tới 462 triệu USD nhưng con số này vẫn chưa đủ cho tham vọng sản xuất J-10 của Trung Quốc. Do đó, mới đây nhà máy CAC đã giới thiệu động cơ WS-10A Taihang, với thông số kỹ thuật được công bố có nhiều điểm ưu việt hơn AL-31FN.

Hiện nay, Trung Quốc có khoảng 120 đến 160 máy bay J-10 gồm ba phiên bản: phiên bản thông thường J-10A, phiên bản huấn luyện hai chỗ ngồi J-10S và phiên bản nâng cấp mới là J-10B giới thiệu vào tháng 2/2009, được cho rằng có nhiều cải tiến hơn so với J-10A.

Trung Quốc đang gấp rút sản xuất tiếp máy bay J-10 với mục đích đưa loại máy bay này sớm trở thành lực lượng nòng cốt thay thế các máy bay Su-27, Su-30 nhập khẩu từ Nga vốn đang đối mặt với nguy cơ thiếu phụ tùng thay thế nghiêm trọng và các loại máy bay J-7, J-8 đã lỗi thời. Khi đó, J-10 sẽ là loại máy bay chủ lực trên các tàu sân bay (đang được đóng) của Trung Quốc.

Đồng Tâm ( DatViet)

Nhận bài viết mới qua E-mail:
*Vui lòng click vào Link được gửi vào hộp thư của bạn để xác nhận*

Đăng Nhận xét của bạn!

Bạn có thể để lại nhận xét của mình và tuân thủ theo các nguyên tắc sau:
» Nội dung nhận xét phải nghiêm túc, không dung tục và không Spam.
» Bạn có thể sử dụng các tài khoản: Google, WordPress, AIM, Liveournal ... để viết nhận xét.
» Nếu không có tài khoản, bạn vẫn có thể viết nhận xét bằng cách chọn hồ sơ là Tên/URL hay Ẩn danh.
Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

 
Đối tác | Phong thuy | Tài Chính - Kế Toán | Truyện Tranh Online | Code1k.com | Movang.info | Quần Áo Rẻ Đẹp | 123 Mua Nhanh | SucManhSEO™ | Dịch Thuật Việt |

Hot Defence | ©2008 - 2010 All Rights Reserved by Khanh Nguyen | Website được xây dựng trên nền Blogspot | Xem tốt nhất trên trình duyệt FireFox.

Xin liên hệ Khanh Nguyen qua số ĐT: 016.93.94.95.96
Lượt khách : xxxxx Lượt truy cập : xxxxx
Đầu trang
Giữa trang
Cuối trang