Nguy cơ tiềm ẩn từ kho vũ khí hạt nhân của Pakistan


CAND - Taliban đã sẵn sàng đánh chiếm kho vũ khí hạt nhân của Pakistan - lời cảnh báo trên đang xuất hiện ngày một nhiều trong tuyên bố của giới chức phương Tây cũng như nhiều quốc gia láng giềng với Pakistan. Nhiều sự kiện diễn ra trong thời gian gần đây đã cho thấy, những cảnh báo như vậy hoàn toàn không phải là không có cơ sở.

Chẳng gì người Pakistan đã không thể bảo vệ được căn cứ hải quân Mehran ngay trong thủ đô cũ Karachi, nằm cách căn cứ không quân Masrur có 24km, là nơi tập trung nhiều kho chứa vũ khí hạt nhân của Pakistan. Sự kiện căn cứ Mehran (xây dựng từ năm 1975) bị chiếm sau một đợt tấn công bất ngờ của các tay súng Taliban nhằm vào các đơn vị chính quy của quân đội Pakistan đã khiến nhiều người phải lo ngại về viễn cảnh vũ khí hạt nhân sẽ rơi vào tay lực lượng khủng bố…

Sự kiện căn cứ Mehran (xây dựng từ năm 1975) bị chiếm sau một đợt tấn công bất ngờ của các tay súng Taliban nhằm vào các đơn vị chính quy của quân đội Pakistan đã khiến nhiều người phải lo ngại về viễn cảnh vũ khí hạt nhân sẽ rơi vào tay lực lượng khủng bố…

Dấu hỏi về số phận kho vũ khí hạt nhân của Islamabad

Khó có thể tìm ra đủ lý do để bác bỏ hoàn toàn những nhận xét của Bộ trưởng Quốc phòng Afghanistan Zahir Azimi khi nói về Cơ quan Tình báo và Phản gián Pakistan: "Nếu như những cơ quan mật vụ này không biết được rằng, tên khủng bố nổi tiếng nhất thế giới đang lẩn trốn ngay trước mũi mình trong suốt 6 năm, thì làm sao họ có thể bảo vệ được những vũ khí chiến lược của mình? Làm sao chúng ta có thể tin tưởng rằng, vũ khí hạt nhân của họ trong tương lai sẽ không bị đánh cắp?". Đối thủ hàng đầu trong khu vực của Pakistan là Ấn Độ cũng lên tiếng về tình hình trên, khi bày tỏ "mối lo ngại về việc bảo đảm an ninh trong lưu giữ vũ khí hạt nhân của Pakistan".

Trong khi đó, các quan chức dân sự và quân sự của Pakistan hiện chưa thể xác định được quan điểm của Mỹ đối với việc gia tăng tiềm lực hạt nhân Pakistan trong tương lai sẽ thay đổi như thế nào. Một vài nhóm quan chức tại Islamabad thậm chí còn nghi ngờ Mỹ đang chuẩn bị chiếm kho vũ khí hạt nhân của đất nước mình. Giả thuyết trên phần nhiều vẫn chỉ nhận được sự hoài nghi từ phía các nhà quan sát, vì theo họ, Pakistan dù thế nào vẫn phải nằm trong quỹ đạo chính trị và quân sự của Mỹ.

Cựu chỉ huy chi nhánh tại Punjab của Cơ quan Tình báo Pakistan (ISI) là Aslan Ghuman mới đây đã có một tiết lộ gây chấn động. Nếu theo đúng như lời Ghuman, trong thời gian có mặt tại Mỹ, ông ta đã biết được về việc Cơ quan Tình báo CIA của Mỹ đã lôi kéo và tham gia hợp tác cùng với các chuyên gia của Ban nghiên cứu và phân tích (Research and Analysis wing; RAW) của tình báo Ấn Độ và Cơ quan Tình báo Israel (Mossad) để "lập kế hoạch gây bất ổn cho Pakistan bằng bất cứ giá nào".

Tên lửa đạn đạo Ghauri-II của Pakistan có khả năng mang đầu đạn hạt nhân.

Để khẳng định cho giả thuyết bất ngờ trên, Ghuman đã nêu ra trường hợp nhân viên ngoài biên chế Raymond Davis của CIA, kẻ đã giết hai công dân Pakistan (thực chất là các nhân viên của ISI). Nhiều tờ báo Pakistan không những tranh nhau cho đăng tải thông tin trên mà còn đi xa hơn với khẳng định, Raymond Davis và các điệp viên của ông ta đã cung cấp cho Al-Qaeda vũ khí hóa học, hạt nhân và sinh học !!?

Phía Ấn Độ đã gọi giả thuyết của viên tướng về hưu Pakistan là "chuyện hoàn toàn nhảm nhí". Nhưng gần như ngay sau đó, tờ Sunday Express tại London lại bất ngờ đưa ra một thông tin từ một quan chức nặc danh Mỹ cho biết, Tổng thống Barack Obama đã phê chuẩn kế hoạch đánh chiếm kho vũ khí hạt nhân của Pakistan và "quyết định thực thi bằng chiến thuật đổ bộ đường không vào các căn cứ chủ chốt cũng như tấn công bằng tên lửa đạn đạo vào các mục tiêu phòng không của Pakistan".

“Bàn tay chống lưng” pakistan của trung quốc

Cách đây không lâu, Washington trên thực tế không tỏ ra quá lo lắng về sức mạnh hạt nhân của Islamabad.

Điều khiến người Mỹ lo ngại nhất về việc phát triển năng lượng hạt nhân của Pakistan lại từ một nhân tố khác - đó là vai trò ngày càng lớn của Trung Quốc. Chính Bắc Kinh đã cung cấp cho Islamabad các công nghệ tên lửa đạn đạo có thể mang đầu đạn hạt nhân và cả trang thiết bị sản xuất chúng. Trung Quốc còn cam kết cung cấp cho Pakistan ít nhất 2 lò phản ứng hạt nhân (kế hoạch ban đầu là 6). Động thái này đã khiến Nga phải tăng cường hợp tác với Ấn Độ, đồng thời tuyên bố về mối lo ngại đối với sự phát triển tiềm lực hạt nhân của Islamabad.

Về chuyện này, ngay bình luận viên người Mỹ Karen DeYoung đã viết trên tờ Washington Post rằng: "Trung Quốc trong quá trình cạnh tranh với Nga đang ra sức tăng cường quan hệ với Pakistan". Mới tháng 5 vừa rồi, Bắc Kinh đã chính thức cảnh báo Washington: “Một kế hoạch tấn công nhằm vào Pakistan sẽ được coi như hành động xâm lược chống lại Bắc Kinh". Các chuyên gia cho rằng, lời cảnh báo bóng gió trên của Trung Quốc không chỉ nhằm vào Mỹ, mà còn cả Ấn Độ và Nga - những đối thủ tiềm tàng có thể đe dọa tới kho vũ khí hạt nhân của Islamabad.

Thực chất về tiềm lực hạt nhân của Pakistan

Chỉ mới cách đây không lâu, Ấn Độ nếu so sánh với Pakistan vẫn có được một ưu thế nhất định về số lượng đầu đạn hạt nhân đang được cất giữ trong kho, cũng như ở trạng thái sẵn sàng chiến đấu. Tuy nhiên, theo một số dữ liệu gần đây, Pakistan đã tăng rất nhanh việc sản xuất các nguyên liệu phân rã, qua đó có vẻ như đã cho Ấn Độ "ngửi khói".

Cụ thể theo những thông tin này, kho vũ khí hạt nhân của Pakistan hiện đã có hơn 100 đơn vị vũ khí đã được triển khai, tức là tăng gấp hơn 2 lần so với 7 năm trước đây (mới 4 năm trước, giới chuyên gia đánh giá tiềm lực hạt nhân của Pakistan có từ 30 đến 60 đơn vị vũ khí). Bằng việc đẩy mạnh sản xuất uranium và plutonium cho vũ khí cùng với những nghiên cứu vũ khí mới, Islamabad sau vài năm giữ thế quân bình, cuối cùng đã vượt qua Ấn Độ về số lượng đầu đạn hạt nhân.

Khả năng bảo vệ kho vũ khí hạt nhân của Pakistan đang khiến cho Mỹ phải đặc biệt lo ngại.

Trong tình thế này, Washington tất nhiên rất muốn kiểm soát được chương trình hạt nhân của Pakistan, dù hiểu rằng điều này là chưa thể cho đến thời điểm hiện tại. Pakistan về phần mình cũng nghi ngờ Washington đang cố gắng khai thác thông tin và tìm cách kiềm chế chương trình hạt nhân của mình. Thế cho nên trong phiên khai mạc đàm phán về giải trừ quân bị tại Geneve, Đại sứ Pakistan Zamir Akram đã buộc tội Mỹ và một số cường quốc khác (không nêu tên cụ thể) về việc "đang chơi trò hai mặt". Ý của Akram muốn nói tới việc Mỹ và một số cường quốc khác đang tăng cường tiếp xúc về quốc phòng với Ấn Độ, đồng thời kêu gọi hạn chế quan hệ với Pakistan.

Thật ra người Mỹ đã nắm được khá nhiều về chương trình hạt nhân của Pakistan. Washington đánh giá chương trình vũ khí hạt nhân của Pakistan qua thông tin tình báo trên mặt đất, qua phân tích các bức ảnh vệ tinh chụp các bệ phóng tên lửa hạt nhân và cả việc sản xuất các vật liệu phân rã.

Chủ tịch David Albright của Viện khoa học và an ninh thế giới - được coi là một trong những chuyên gia phân tích nổi tiếng nhất thế giới về vũ khí hạt nhân - nhận định: Islamabad "trong thời gian gần đây đã tăng hơn gấp đôi số lượng vũ khí phi truyền thống của mình bằng cách đẩy mạnh sản xuất plutonium và uranium làm giàu". Một số chuyên gia khác của Mỹ còn cho rằng, Pakistan hiện đã có hơn 110 đơn vị vũ khí hạt nhân. Nếu đúng như vậy, Pakistan thậm chí còn vượt qua cả Anh và Pháp về tiềm lực vũ khí hạt nhân.

Tình hình chính trị tại Pakistan có thể nói còn lâu mới ổn định, đồng thời còn "liên thông" rất mật thiết với mọi chuyển biến khó lường từ quốc gia láng giềng Afghanistan. Chính vì vậy, kho vũ khí hạt nhân lớn của Pakistan vô hình chung đang trở thành "quả bom nổ chậm" nguy hiểm trước mối đe dọa từ phía các phần tử khủng bố Hồi giáo, chưa kể quốc gia này còn đang là địa bàn tranh giành ảnh hưởng của nhiều cường quốc với nhiều toan tính lợi ích riêng. Chừng nào vẫn còn tiềm ẩn những điều kiện trên, "món đồ chơi hạt nhân nguy hiểm" của Pakistan vẫn đang là mối đe dọa thường trực đối với tình hình an ninh thế giới

Hồng Sơn (tổng hợp)

Nhận bài viết mới qua E-mail:
*Vui lòng click vào Link được gửi vào hộp thư của bạn để xác nhận*

Đăng Nhận xét của bạn!

Bạn có thể để lại nhận xét của mình và tuân thủ theo các nguyên tắc sau:
» Nội dung nhận xét phải nghiêm túc, không dung tục và không Spam.
» Bạn có thể sử dụng các tài khoản: Google, WordPress, AIM, Liveournal ... để viết nhận xét.
» Nếu không có tài khoản, bạn vẫn có thể viết nhận xét bằng cách chọn hồ sơ là Tên/URL hay Ẩn danh.
Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

 
Đối tác | Phong thuy | Tài Chính - Kế Toán | Truyện Tranh Online | Code1k.com | Movang.info | Quần Áo Rẻ Đẹp | 123 Mua Nhanh | SucManhSEO™ | Dịch Thuật Việt |

Hot Defence | ©2008 - 2010 All Rights Reserved by Khanh Nguyen | Website được xây dựng trên nền Blogspot | Xem tốt nhất trên trình duyệt FireFox.

Xin liên hệ Khanh Nguyen qua số ĐT: 016.93.94.95.96
Lượt khách : xxxxx Lượt truy cập : xxxxx
Đầu trang
Giữa trang
Cuối trang