Hồ sơ các vụ Mỹ do thám Trung Quốc


DATVIET - Máy bay do thám U-2 được xếp vào hàng “lão làng” trong số các phương tiện do thám trên không vẫn được quân đội Mỹ sử dụng để do thám Trung Quốc.

Quân đội Mỹ mới đây tuyên bố rằng họ sẽ tiếp tục sử dụng máy bay do thám U-2 huyền thoại để tiến hành do thám trên không trên lãnh thổ Trung Quốc. Loại máy bay này "sẽ tiếp tục phục vụ cho lợi ích của nền dân chủ Mỹ, ít nhất là cho đến năm 2015," bất chấp việc có ý kiến cho rằng cần "đưa nó vào sổ lưu niệm."

Được biết đến kể từ phi vụ do thám trên bầu trời Liên Xô lần đầu tiên vào năm 1956, máy bay do thám U-2 được xếp vào hàng “lão làng” trong số các phương tiện do thám trên không với tuổi thọ lên đến hàng chục năm.

Nhưng tại sao loại máy bay gián điệp tương đối cũ kỹ, nhiều lần bị bắn hạ như vậy lại được chọn? Và tại sao người Mỹ chấp nhận thực hiện có hành động có mức độ rủi ro cao như vậy, trong khi họ có các vệ tinh gián điệp mới nhất có khả năng cung cấp hình ảnh chất lượng cao?

Cuối tháng 7/2011, Trung Quốc cảnh báo Mỹ là các chuyến bay của máy bay Mỹ gần bờ biển Trung Quốc phá hoại lòng tin giữa 2 quốc gia.

Những câu hỏi này đã được chuyên gia của Hội đồng Chính sách đối ngoại và quốc phòng Nga, Aleksander Mordovin, giải đáp trong một cuộc trả lời phỏng vấn trang Pravda. Cuộc trò chuyện với vị chuyên gia này đã kéo dài hơn dự kiện với rất nhiều thông tin lịch sử thú vị.

Việc do thám của các máy bay Mỹ và Anh từ lâu đã luôn làm nhà trức trách Trung Quốc phải đau đầu. Việc tiến hành trinh sát trên không trên không phận Trung Quốc là một phần của thỏa thuận ký kết giữa Truman và Attlee để "chiến đấu chống lại chủ nghĩa cộng sản".

"Chủ nghĩa cộng sản mang màu sắc Trung Quốc" được xây dựng bởi Mao Trạch Đông và đội ngũ lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc gây nên sự quan ngại lớn đối với họ.

Sự chú ý càng được tăng lên sau khi Trung Quốc bắt đầu thực hiện chương trình hạt nhân của riêng mình. Và sự tiến bộ của nó đã khiến cho sự lo ngại của Mỹ mỗi năm một nhiều hơn.

Chương trình hạt nhân của Trung Quốc khiến phương Tây phải tò mò.

Các chuyến bay do thám trên lãnh thổ Trung Quốc được bắt đầu vào tháng 1/1951 sau thất bại của quân đội Tưởng Giới Thạch, đồng minh của Mỹ. Trong mọi trường hợp, người Mỹ luôn sẵn sàng bật đèn xanh cho những phi vụ bay do thám, quay phim các căn cứ quân sự của Trung Quốc do đồng minh thân cận Anh thực hiện mỗi tháng 4-5 lần.

Về phần mình, London ngay từ đầu chấp nhận bỏ ra những khoản kinh phí trong trường hợp máy bay của họ hoặc của đồng minh bị đối phương tiêu diệt, với mong muốn chia sẻ gành nặng với Mỹ, khi mà Washington đang bận đối phó với tình hình căng thẳng không lối thoát trong mối quan hệ với Liên Xô.

U-2 và những "người tiền nhiệm"

Nhưng trước khi có U-2, người Mỹ chưa thể giải quyết được những thách thức mà họ phải đối mặt. Việc thu thập thông tin tình báo chủ yếu được thực hiện bởi những chiếc máy bay trinh sát-chống ngầm P2V Neptune của không quân Hải quân Mỹ.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy rằng chúng rất dễ bị bắn hạ không chỉ bởi máy bay tiêm kích mà còn cả với hệ thống phòng không của đối phương. Người Mỹ chỉ thừa nhận bị mất 4 trong số những chiếc máy bay này bởi hệ thống phòng không của Liên Xô và Trung Quốc.

Tuy nhiên, có bằng chứng mạnh mẽ rằng người Mỹ đã cố tình hạ thấp sự tổn thất những chiếc "Neptune" ít nhất 2 lần. Ba trong số đó bị bắn rơi ở vùng Viễn Đông vào những năm 1951-1955, sau đó chúng chủ yếu được sử dụng trong những hoạt động chống Trung Quốc.

Chiếc P2V Neptune bị bắn rơi ở Liên Xô.

Trong giai đoạn 1953-1964 người Mỹ đã bị mất 7 chiếc "Neptune". Ít nhất 2 trong số đó bị bắn hạ bởi lưới lửa phòng không.

Với mục tiêu thiết lập được bản đồ về các địa điểm chiến lược quan trọng ở các nước như Liên Xô và Trung Quốc, Mỹ và Anh đã đạt được thỏa thuận đưa vào sử dụng loại trinh sát phản lực RB-45C mang lại hiệu quả cao hơn.

Các chuyến bay chủ yếu được thực hiện vào ban đêm. Và để tránh bị đèn pha soi thấy loại máy bay này được sơn màu đen. Không một chiếc nào bị bắn hạ bởi hệ thống phòng không Liên Xô vào thời điểm đó vẫn còn nhiều hạn chế.

Người ta cũng tính đến trường hợp RB-45C có thể bị rơi trên lãnh thổ của Trung Quốc hay Liên Xô, khi đó Mỹ sẽ tuyên bố rằng không có dấu hiệu nào cho thấy có sự liên quan của họ, còn người Anh sẽ nói rằng họ chưa bao giờ có những chiếc máy bay như vậy.

Những chiếc máy bay gián điệp này đã được sử dụng chống lại Trung Quốc cho đến giữa năm 1953, sau đó, do sự xuất hiện của những hệ thống phòng không tiên tiến hơn, chúng được thay thế bằng những chiếc RB-47 hiện đại hơn.

RB-45C, một trong những "người tiền nhiệm" của U-2

Một thời gian sau người Mỹ quyết định thực hiện nhiệm vụ trinh sát bằng những chiếc RB-57A/D, sau khi bị mất 2 chiếc RB-47 (một chiếc do MiG-17 tiêu diệt, một chiếc khác bị bắn hạ bởi tên lửa đất đối không SA-2).

Tuy nhiên, khi Liên Xô đã nhiều lần thể hiện khả năng đối phó hiệu quả với các thách thức này, Mỹ đã mang đến cho cả Moscow và Bắc Kinh một bất ngờ mới - máy bay do thám tầm cao U-2. Thực tế thành phần các phi đội tham gia vào những điệp vụ trên không này không nằm trong thành phần lực lượng Không quân Mỹ, mà là nhân viên CIA.

Trong gần 4 năm (kể từ mùa hè 1956) những cỗ máy này đã thực hiện các chuyến bay nằm ngoài tầm với của hệ thống phòng không Liên Xô, và có thể bay qua lãnh thổ Liên Xô và Trung Quốc một cách dễ dàng.

Cho đến ngày 1/5/1960, Liên Xô "tặng" cho Mỹ một điều bất ngờ, chiếc U-2B Francis Gary Powers bị bắn hạ bởi tên lửa phòng không S-75.

Sau khi sự kiện này, U-2 đã không dám bay qua lãnh thổ Liên Xô nữa, nhưng vẫn tiếp tục tiến hành trinh sát các địa điểm mà Mỹ cho rằng có lợi ích địa chính trị tối quan trọng, bao gồm cả Trung Quốc.

Người Mỹ cho rằng Trung Quốc sẽ không có cách nào ngăn chặn chúng. Bởi vì lúc đó quan hệ giữa Bắc Kinh và Moscow đã xấu đi rõ rệt. Đặc biệt trong lĩnh vực hợp tác quân sự-kỹ thuật.

Tên lửa phòng không S-75, sát thủ của máy bay do thám U-2.

Do đó, sự kiện chiếc U-2 đầu tiên bị bắn hạ trên bầu trời Trung Quốc vào tháng 9/1962 bằng tên lửa S-75, người Mỹ thực sự ngỡ ngàng. Tuy nhiên, họ vẫn quyết định tiếp tục thực hiện các chuyến bay do thám Trung Quốc.

Trước hết, Mỹ đã quan tâm đến các cơ sở hạt nhân Trung Quốc nằm sâu ở bên trong đất liền, dẫu rằng thực hiện việc này sẽ khiến họ bị tổn thất nhiều U-2. Người Mỹ tất nhiên luôn muốn chọn những phương án an toàn nhất cho họ. Do đó, họ cũng quyết định chọn các phi công Đài Loan để thực hiện các nhiệm vụ này.

Theo số liệu của Trung Quốc, quân đội nước này đã bắn rơi 9 chiếc U-2, trong khi người Mỹ chỉ thừa nhận mất 5 chiếc.

Hạ bệ "người kế nhiệm"

Khó khăn chính cho nhiệm vụ trinh sát được cho là do có sự xuất hiện của hệ thống tên lửa phòng không S-75. Để loại bỏ chúng, Mỹ đã thực hiện cùng lúc 2 phương án: Tạo ra các máy bay trinh sát tốc độ cao có khả năng tránh được các loại tên lửa đất - đối - không và không - đối - không một cách hiệu quả, và tạo ra các phương tiện bay không người lái.

Sự thật là vào tháng 1/1966 Không quân Hoa Kỳ đã được trang bị loại máy bay gián điệp mới nhất SR-71, có thể đạt tốc độ lên tới 3.500 km/h. Đặc biệt, chúng đã được sử dụng một cách tích cực cho các chuyến bay do thám Trung Quốc.

SR-71, với chi phí khổng lồ đáp ứng đầy đủ sự mong đợi của người Mỹ. Năm 1967 nó chụp ảnh thành công vụ thử nghiệm bom hạt nhân của Trung Quốc. Sự thành công của chiếc máy bay mới vào năm 1968 đã dẫn đến tạm ngừng hoạt động của U-2. Tuy nhiên, giờ đây đã có những thay đổi đáng kể.

Dù "nghỉ hưu" nhưng SR-71 vẫn giữ danh hiệu máy bay nhanh nhất thế giới.

Những thành công trong việc sử dụng UAV đã không được như mong đợi của giới chức quân sự Mỹ. Từ năm 1969 đến năm 1971, Mỹ đã cố gắng để sử dụng cho máy bay trinh sát không người lái D-21. Tuy nhiên, mọi nỗ lực đã không thu được kết quả nào đáng kể bởi vì những trục trặc trong việc truyền tải các thông tin thu thập được.

Cũng trong khoảng thời gian cuối những năm 1960, đầu những năm 1970, trên bầu trời Trung Quốc xuất hiện loại máy bay trinh sát tầm xa UAV Compass Arrow (Firefly mẫu 154) được thiết kế đặc biệt cho nhiệm vụ trinh sát từ xa Trung tâm thử nghiệm hạt nhân tại Lop Nor của Trung Quốc.

Thế nhưng, vào tháng 7/1971, Mỹ đã bắt tay với Trung Quốc chống lại "mối đe dọa Liên Xô". Gần 20 năm sau người Mỹ lại cố gắng để không làm căng thẳng quan hệ với Trung Quốc bằng những chuyến bay như vậy. Tất nhiên, họ không dừng chúng hoàn toàn, nhưng đã hành động rất thận trọng, cố gắng không vi phạm vùng trời của Trung Quốc.

Tuy nhiên, tình hình hiện nay đã có nhiều thay đổi mạnh mẽ, các mối đe dọa Liên Xô đã không còn nữa, trong khi đó các lo ngại đến từ Trung Quốc đang ngày càng gia tăng đối với nước Mỹ, do vậy người ta đã quyết định nối lại các chuyến bay trước đó.

Sau sự việc chiếc máy bay do thám EP-3E phải hạ cánh bắt buộc ngày 1/4/2001 người Mỹ đã tránh thực hiện những chuyến bay như vậy trên vùng trời Trung Quốc.

Điều thú vị nhất đó là sự việc này lại làm cho chính người Mỹ phải “điên đầu” bởi vì phía Trung Quốc đã cố tình trì hoãn việc trao trả chiếc máy bay do thám này cũng như phi hành đoàn. Theo các chuyên gia Mỹ, người Trung Quốc đã cố tình lợi dụng thời gian này để sao chép các chi tiết của chiếc EP-3E.

Vụ trinh sát cơ EP-3E bị bắt hạ cánh trên đảo Hải Nam là vụ do thám gây ầm ĩ nhất trong quan hệ Trung - Mỹ. Trong ảnh, phần mũi của EP-3E đã bị tháo tung, cho thấy Trung Quốc đã "mổ xẻ" máy bay này nhân cơ hội "tóm" được nó.

Chuyến bay đầu tiên sau sự kiện này được thực hiện bởi máy bay do thám RC-135 từ căn cứ Kadena ở Okinawa, trong đó tiêm kích đánh chặn Trung Quốc đã thất bại.

Chiếc RC-135V/W có khả năng thực hiện trinh sát tất cả các hệ thống phòng không của đối phương (bao gồm cả máy bay tiêm kích-đánh chặn và tên lửa phòng không) và mạng lưới thông tin hàng không cũng như các phương tiện trinh sát điện tử.

Một biến thể khác là RC-135S "Cobra Ball" được thiết kế đặc biệt để tiến hành do thám các cuộc thử nghiệm tên lửa đạn đạo.

Tuy nhiên, để giám sát Trung Quốc mà chỉ sử dụng loại máy bay này là không đủ, và người Mỹ đã trở về với U-2. Rõ ràng, một trong những lý do để "tái sinh" chúng trên bầu trời Trung Quốc là hàng loạt các chuyến bay gần đây của nó, cho phép theo dõi các bí mật của Bắc Kinh tại các khu vực thử nghiệm nằm sâu trong lãnh thổ.

Tại sao U-2 vẫn được sử dụng?

Trả lời câu hỏi này, ông Aleksander Mordovin cho biết: "Quân đội Mỹ tất nhiên có lý do để duy trì sự phục vụ của chúng (máy bay do thám U-2). Dựa trên các đặc điểm vốn có, U-2 không thua kém bất kỳ loại máy bay do thám hiện đại nào, ngoại trừ SR-71". Tuy nhiên, xuất hiện sau U-2 gần một thập kỷ nhưng SR-71 đã bị ngưng hoạt động từ 13 năm trước.

"Người Mỹ rõ ràng biết rõ hơn ai hết về vấn đề này. Chi phí cho hoạt động của SR-71 là cực kỳ tốn kém, trong khi U-2 lại vượt trội hơn hẳn nếu so sánh giữa "giá cả và chất lượng", ông Mordovin nói.

Giờ đây không chỉ Nga mà Trung Quốc cũng đã có được khá đầy đủ các phương tiện để đối phó hiệu quả với các loại máy bay như SR-71. Vì vậy, việc duy trì những loại máy bay tốn kém như vậy trở nên không cần thiết.

Đề cập tới lý do tại sao Mỹ mạo hiểm chạm trán với Trung Quốc như vậy, trong khi họ có trong tay hàng tá vệ tinh gián điệp tiện dụng? Chuyên gia Aleksander Mordovin cho rằng, rõ ràng, trong lãnh thổ Trung Quốc có vị trí mà Mỹ quan tâm, nơi đó rất khó để quan sát từ không gian, và điều này đòi hỏi phải được chụp từ máy bay. Trong khi, như chúng ta đã biết, các vệ tinh luôn di chuyển theo một quỹ đạo và vào một thời điểm xác định và lại ở vị trí quá xa.

Trần Văn (theo Pravda)

Nhận bài viết mới qua E-mail:
*Vui lòng click vào Link được gửi vào hộp thư của bạn để xác nhận*

Đăng Nhận xét của bạn!

Bạn có thể để lại nhận xét của mình và tuân thủ theo các nguyên tắc sau:
» Nội dung nhận xét phải nghiêm túc, không dung tục và không Spam.
» Bạn có thể sử dụng các tài khoản: Google, WordPress, AIM, Liveournal ... để viết nhận xét.
» Nếu không có tài khoản, bạn vẫn có thể viết nhận xét bằng cách chọn hồ sơ là Tên/URL hay Ẩn danh.
Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

 
Đối tác | Phong thuy | Tài Chính - Kế Toán | Truyện Tranh Online | Code1k.com | Movang.info | Quần Áo Rẻ Đẹp | 123 Mua Nhanh | SucManhSEO™ | Dịch Thuật Việt |

Hot Defence | ©2008 - 2010 All Rights Reserved by Khanh Nguyen | Website được xây dựng trên nền Blogspot | Xem tốt nhất trên trình duyệt FireFox.

Xin liên hệ Khanh Nguyen qua số ĐT: 016.93.94.95.96
Lượt khách : xxxxx Lượt truy cập : xxxxx
Đầu trang
Giữa trang
Cuối trang