Dư luận về Việt Nam và Biển Đông


TOQUOC - Chủ trương của Việt Nam về Biển Đông được dư luận đặc biệt quan tâm. Dưới đây là một số quan điểm các phía, để bạn đọc tham khảo.

Trung Quốc lớn tiếng răn đe

Thời báo Hoàn cầu (Global Times) - phụ trương của Nhân dân Nhật báo - ngày 21/6 đăng xã luận nhan đề “Trung Quốc cần phải phản ứng truớc sự khiêu khích của VN”, cho rằng:

Các tranh chấp hiện nay về Biển Đông phần lớn xuất phát từ Việt Nam. Thách thức lớn nhất đối với sự kiên trì của Trung Quốc về một giải pháp hòa bình cũng có thể được đặt ra từ phía Việt Nam.

Tàu tuần duyên Trung Quốc Hải sự 310 thăm Singapore

Tùy theo diễn biến của tình hình mà Trung Quốc phải sẵn sàng cho 2 phương án: hoặc đàm phán với Việt Nam về một giải pháp hòa bình hoặc đáp trả sự khiêu khích bằng phản công chính trị, kinh tế và thậm chí là quân sự. Chúng ta phải nói rõ khả năng chọn phương án hai để Việt Nam giữ tỉnh táo trong vấn đề Biển Đông.

Một thời Việt Nam đã từng có những hành động phiêu lưu ở Biển Đông. Việt Nam đã chiếm giữ 29 đảo của Trung Quốc, kiếm lợi nhiều nhất từ khai thác khí tự nhiên và dầu ở biển và cũng là nước có thái độ hung hăng nhất đối với Trung Quốc.

Việt Nam là nước chính chủ trương mời Mỹ vào Biển Đông để làm “đối trọng”. Chính phủ Việt Nam cũng đã đồng ý để cho tâm lý dân tộc chủ nghĩa phát triển trong dân chúng. Hà Nội đã nêu một tấm gương xấu ở Đông Nam Á.

Kể từ cuộc xung đột quân sự hạn chế với Trung Quốc về Biển Đông năm 1988 đến nay, Việt Nam ngày càng hung hăng hơn trong việc chiếm đoạt các đảo như là của mình, bác bỏ chính sách truyền thống của Trung Quốc “gác tranh chấp cùng khai thác”. Điều đó đang dồn ép lợi ích quốc gia và phẩm giá của Trung Quốc(!).

Trung Quốc cần phải gửi đi một thông điệp rõ ràng rằng Trung Quốc sẽ dùng mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ lợi ích của mình ở Biển Đông. Nếu Việt Nam tiếp tục khiêu khích Trung Quốc ở khu vực này thì trước hết Trung Quốc sẽ dùng lực lượng cảnh sát biển để xử lý và nếu cần sẽ phản công bằng lực lượng hải quân.

Trung Quốc cần phải tuyên bố rõ rằng nếu Trung Quốc quyết định đánh trả thì Trung Quốc cũng sẽ lấy lại những đảo mà trước đây Việt Nam đã chiếm. Nếu Việt Nam muốn khởi chiến thì Trung Quốc sẽ kiên quyết phá hủy tàu chiến của Việt Nam xâm phạm cho dù có thể bị cộng đồng quốc tế phản đối.

Mỹ có thể gây thêm bất trắc ở Biển Đông. Trung Quốc sẽ đối phó một cách cẩn trọng và có lẽ Trung Quốc không tham dự vào một cuộc đối đầu trực tiếp với Mỹ.

Sự nổi lên của Trung Quốc đang đứng trước những rủi ro chiến lược ngày càng gia tăng ở phía Nam. Trung Quốc sẽ tiếp tục trung thành với hòa bình và phát triển, nhưng Trung Quốc phải sẵn sàng đối phó với sự đối đầu. Sự khiêu khích của Việt Nam có thể sẽ trở thành một hòn đá thử.

Cũng tờ báo này ngày 21/6 đăng bài: “Việt Nam khiến công chúng Trung Quốc “bất bình”. Theo một điều tra dư luận do trung tâm Global Poll Center của báo Global Times tiến hành hôm 20/6, gần 86% trong tổng số hơn 13.000 người được hỏi đã bày tỏ thái độ tiêu cực đối với Việt Nam trong vấn đề Biển Đông.

Zhang Goutu, Giams đốc Trung tâm nghiên cứu Đông Nam Á thuộc Đại học Hạ Môn nói với Thời báo Hoàn cầu rằng vấn đề này đã chia rẽ người dân Trung Quốc với người dân Việt Nam. Tuy nhiên, người dân Trung Quốc cần phải kiềm chế vì giữ quan hệ tốt với các nước láng giềng là lợi ích của Trung Quốc; Việt Nam cần phải tích cực làm cho tình hình dịu đi và tôn trọng Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông.

Một số báo mạng Trung Quốc ngày 21/6, khi đưa tin về tham vấn Trung-Mỹ về châu Á- Thái Bình Dương, cho rằng Việt Nam ra sức kêu gọi Mỹ can dự vào tranh chấp ở Biển Đông, Mỹ đều có thái độ trung lập. Về việc Việt-Mỹ vừa qua ra Tuyên bố chung về bảo đảm tự do hàng hải ở Biển Đông, Trung Quốc trước đó đã nhiều lần bày tỏ rõ thái độ với Mỹ rằng “không có bất kỳ quốc gia nào trên thế giới quan tâm vấn đề an toàn hàng hải ở Biển Đông như Trung Quốc, vì nó không chỉ ảnh hưởng đến kinh tế của Trung Quốc mà cũng ảnh hưởng đến an ninh xung quanh”.

Tạp chí Diễn đàn kinh tế và chính trị thế giới kỳ 3/2011 đăng bài: “Ý tưởng chiến lược an ninh biển của Việt Nam và một số suy nghĩ về đối sách của Trung Quốc”, kết luận: Trong vài chục năm qua, Việt Nam đã thành công chiếm đóng 29 đảo, đá tại Biển Đông. Cùng với việc khống chế tuyến hàng hải quan trọng, VN đã từng bước hình thành một hệ thống phòng thủ 3 chiều trên biển. Điều này không những tạo ra uy hiếp đối với Trung Quốc trên vùng biển của Trung Quốc, mà còn gây khó khăn cho Trung Quốc trong việc thông qua hòa bình giải quyết tranh chấp tại Biển Đông. Do vậy, mục đích chiến lược an ninh biển của Việt Nam là tiếp tục chiếm đóng bất hợp pháp các đảo của Trung Quốc tại Trường Sa để hợp pháp hóa lợi ích tại đây; đồng thời Việt Nam muốn mở rộng phạm vi phòng ngự trên biển để đạt được mục đích mở rộng không gian an ninh lớn nhất có thể.

Đối với ý tưởng an ninh biển của Việt Nam, Trung Quốc cần có sách lược toàn diện, kết hợp các biện pháp chính trị, ngoại giao, kinh tế, quân sự với nhau để ứng phó với Việt Nam. Trung Quốc cũng cần thử hợp tác với Đài Loan để bảo vệ chủ quyền của “tổ tiên” để lại, thực hiện cùng thắng giữa hai bờ.

Chiến lược của Trung Quốc nhằm mục đích bẻ gãy ý chí kháng cự lại của Việt Nam

RFA, VOA đưa lại ý kiến của David Brown, cựu viên chức ngoại giao Mỹ, đã từng làm việc ở Đại sứ quán Mỹ tại Sài Gòn trước năm 1975 và là người có các bài viết về tình hình Biển Đông trên báo Asia Times Online, đã nhận định rằng: Việt Nam là đối thủ mạnh nhất và kiên quyết nhất trong vấn đề Trung Quốc đòi chủ quyền trên toàn bộ khu vực Biển Đông. Chiến lược của Trung Quốc dường như nhằm mục đích bẻ gãy ý chí kháng cự lại của Việt Nam, một phần bằng những hành động khiêu khích và một phần bằng cách chứng minh rằng, những hoạt động trong khối ASEAN, cũng như thành lập “mối quan hệ chiến lược” với Mỹ, không có ích lợi cho Việt Nam. Trong bối cảnh này, sự đoàn kết giữa Malaysia, Brunei, Philippines và Việt Nam, được Indonesia và Singapore hỗ trợ, là điều cần thiết. Phía Việt Nam có thể cảnh báo rằng, hành động của Trung Quốc có thể dẫn đến một cuộc chiến, mà tất cả đều thua, và nhấn mạnh rằng Việt Nam sẽ tỏ thái độ hợp lý nếu Trung Quốc tham gia đàm phán đa phương về việc khai thác các nguồn tài nguyên trên Biển Đông. Vào những lúc như thế này, rất quan trọng để Việt Nam nói với thế giới về câu chuyện riêng của mình, hãy nói ngay lập tức, một cách chính xác và đầy thuyết phục.

Thượng nghị sỹ John McCain tham dự và có bài phát biểu quan trọng tại Hội nghị về Biển Đông do CSIS tổ chức hôm 20 và 21/6 tại Mỹ

Trong một cuộc phỏng vấn dành cho VOA, ông Ernest Bower, Giám đốc Chương trình Đông Nam Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) ở thủ đô Washington, cho rằng: Hiện đang có những kế hoạch được xúc tiến thông qua Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á, cuộc họp quy tụ các Bộ trưởng quốc phòng ASEAN, Diễn đàn Khu vực Á châu, có những cơ chế để có thể giải quyết tranh chấp mà không cần phải về phe này phe nọ. Thế cho nên lời khuyên của tôi là Việt Nam chớ nên đặt mình vào thế phải chọn lựa giữa hai bên. Cả Trung Quốc lẫn Mỹ cũng không muốn đặt các nước khác vào thế kẹt đó. Nếu theo dõi chính sách đối ngoại của VN, chúng ta thấy rằng nước này rất thận trọng trong việc duy trì cân bằng các quan hệ với nước ngoài, họ tìm cách tránh đặt quá nặng quan hệ với Mỹ và cả quan hệ với Trung Quốc. Trung Quốc phải thận trọng hơn. Họ có thực sự muốn những người dân thường ở Hà Nội có những cảm nghĩ không đẹp về họ như thế hay không? Họ có muốn người dân ở Manila, ở Jakarta có những cảm nghĩ đó hay không? Tôi lấy làm ngạc nhiên là Bắc Kinh đã để tình hình xuống cấp tới mức đó, bởi vì trong quá khứ họ đã thành công quá mức trong việc nới rộng quyền lực kinh tế, và nâng cao uy tín của họ trên trường quốc tế nhờ một chính sách ngoại giao nhu hòa. Thế mà giờ đây, họ lại đi đánh đổi chính sách vô cùng thành công đó với một chính sách có thể nói là vụng về”.

Theo mạng Hoàn cầu ngày 20/6, việc tàu “Hải sự 31” của Trung Quốc tiến hành thăm chính thức Singapore đã khiến dư luận nước này cũng như dư luận quốc tế quan tâm. Trước khi tàu tuần tra của Trung Quốc đến, Trung tâm nghiên cứu luật quốc tế Đại học Quốc lập Singapore đã tổ chức Hội nghị về Biển Đông và vấn đề khai thác chung. Gần 200 học giả đến từ nhiều quốc gia đã tham dự Hội nghị. Phóng viên Thời báo Hoàn cầu cho biết, không khí tại Hội nghị không có lợi cho Trung Quốc, hầu như tất cả các học giả đều phát biểu phê phán Trung Quốc, rất ít người nói thay cho Trung Quốc. Một học giả Trung Quốc nói: “Mặc dù sức mạnh của Trung Quốc tăng nhanh, nhưng tiếng nói trong cộng đồng quốc tế rất yếu, trong vấn đề Biển Đông cũng như vậy”.

Trong khi đó, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Campuchia tuyên bố: Chính phủ Campuchia kêu gọi các bên có tranh chấp tại Biển Đông tìm ra biện pháp giải quyết bằng biện pháp hòa bình và các bên cần tôn trọng Hiệp định ASEAN và Trung Quốc năm 2002. Trung Quốc và Việt Nam cùng các bên tranh chấp tại Biển Đông đều là những người bạn tốt của Campuchia, do vậy Campuchia đề nghị các bên liên quan đến tranh chấp biên giới trong khu vực Biển Đông thực hiện theo đúng Thông cáo đã thống nhất giữa các nước liên quan đến Biển Đông để giải quyết bằng biện pháp hòa bình./.

Lưu Việt (Gt)

Nhận bài viết mới qua E-mail:
*Vui lòng click vào Link được gửi vào hộp thư của bạn để xác nhận*

Đăng Nhận xét của bạn!

Bạn có thể để lại nhận xét của mình và tuân thủ theo các nguyên tắc sau:
» Nội dung nhận xét phải nghiêm túc, không dung tục và không Spam.
» Bạn có thể sử dụng các tài khoản: Google, WordPress, AIM, Liveournal ... để viết nhận xét.
» Nếu không có tài khoản, bạn vẫn có thể viết nhận xét bằng cách chọn hồ sơ là Tên/URL hay Ẩn danh.
Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

 
Đối tác | Phong thuy | Tài Chính - Kế Toán | Truyện Tranh Online | Code1k.com | Movang.info | Quần Áo Rẻ Đẹp | 123 Mua Nhanh | SucManhSEO™ | Dịch Thuật Việt |

Hot Defence | ©2008 - 2010 All Rights Reserved by Khanh Nguyen | Website được xây dựng trên nền Blogspot | Xem tốt nhất trên trình duyệt FireFox.

Xin liên hệ Khanh Nguyen qua số ĐT: 016.93.94.95.96
Lượt khách : xxxxx Lượt truy cập : xxxxx
Đầu trang
Giữa trang
Cuối trang