Cuộc chiến ở Libya: Người Mỹ bị giăng bẫy?


BEE - Dù cuộc chiến Libya mới bắt đầu, nhưng người ta có thể nhận ngay ra một chiếc bẫy đã được giăng sẵn chờ đợi Mỹ và đồng minh.

Chiếc bẫy này không phải do các lực lượng ủng hộ hay chống đối nhà lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi tạo nên mà do chính những nét đặc thù của đất nước này cùng bối cảnh quốc tế hiện tại hợp thành.

Việc Mỹ và các đồng minh phương Tây khai hỏa tấn công Libya vào ngày 19/3 không có gì đáng ngạc nhiên. Cuộc chiến bùng nổ như kết quả tất yếu của cả một quá trình được chuẩn bị chu đáo từ trước. Có lẽ, với tính cách thực dụng của mình, người Mỹ điều hàng chục chiến hạm và hàng ngàn lính thủy đánh bộ đến Địa Trung Hải áp sát Libya không chỉ để “hóng gió biển” và thực hiện các nhiệm vụ “nhân đạo”. Kế đó, những bước chuẩn bị “bài bản” và “chu đáo” đã được thực hiện đúng như kịch bản sân khấu ngay sau khi HĐBA LHQ bật đèn xanh cho các hành động quân sự chống Libya.

Cuộc chiến Libya đã bắt đầu bằng các cuộc không kích dữ dội của phương Tây

Các chuyên gia quốc tế đánh giá việc sử dụng vũ lực để hạ bệ ông Gaddafi không phải là nhiệm vụ quá khó khăn đối với một lực lượng hùng hậu của Mỹ và đồng minh. Tuy nhiên, phương Tây phải đối mặt với rất nhiều câu hỏi đặt ra cho họ về cuộc chiến này.

Chuyên gia phân tích Lucio Caraccio, chủ biên của tạp chí Limes của Italia đánh giá sự can thiệp quân sự vào Libya là can thiệp vào một vùng đất hầu như không có bóng dáng của một cơ chế nhà nước đúng nghĩa. Điều có nghĩa là, nếu có một phía bại trận thì cũng chưa chắc phía bên kia là kẻ chiến thắng.

Libya không giống như Ai Cập hay Tunisia. Sự khác biệt thể hiện ở chỗ nếu ông Gaddafi bị đánh bại thì vẫn chưa có một tầng lớp chính trị bản địa nào có khả năng bảo đảm cho Libya không rơi vào tình trạng vô chính phủ. Như vậy, ở Libya sẽ chỉ có thể xảy ra hai kịch bản: Hoặc một lực lượng “ngoại bang” nào đó tràn vào để lấp đầy khoảng trống vô chính phủ, hoặc thế giới sẽ lại phải chứng kiến một Somalia mới. Và trong trường hợp thứ hai, một nước “Somalia mới” này lại nằm ngay sát bên sườn của châu Âu.

Khác với ông Ben Ali ở Tunisia hay ông Hosni Mubarak ở Ai Cập, nhà lãnh đạo Libya M.Gaddafi hiện vẫn giành được sự ủng hộ của đông đảo người dân nước này (Ảnh: Người dân Tripoli tạo thành lá chắn sống bảo vệ nhà riêng ông Gaddafi ngày 20/3)

Dù chống Gaddafi, nhưng lực lượng nổi dậy hiện nay chưa chắc đã muốn chứng kiến sự hiện diện của lực lượng nước ngoài trên lãnh thổ Libya. Có chăng, lực lượng “ngoại bang” chỉ được xem như một công cụ chống lại đối phương.

Lực lượng chống lại ông Gaddafi đang chờ đợi sự chi viện của phương Tây thông qua các vụ oanh tạc, cung cấp vũ khí, hoặc gửi các “cố vấn quân sự” đến Libya. Nhưng việc phương Tây đưa bộ binh vào lãnh thổ Libya lại là một câu chuyện hoàn toàn khác. Với kinh nghiệm 2 cuộc chiến Iraq và Afghanistan, có thể khẳng định lực lượng chiếm đóng của Mỹ và đồng minh trước sau cũng trở thành những kẻ “xâm lược” trên miền đất không thuộc chủ quyền của họ.

Quân Mỹ vào Afghanistan để lật đổ chế độ Taliban. Nhưng sau bao nhiêu năm, họ lại trở thành những kẻ xâm lược và biến Taliban thành “người hùng” ở quốc gia này. Giờ đây Taliban đang dần lấy lại thế chủ động, thậm chí còn giành được sự ủng hộ của một bộ phận không nhỏ người dân Afghanistan. Bên cạnh đó, quá khứ thực dân châu Âu vẫn còn đậm nét trong trí nhớ của người dân Libya, nhất là trong giới trẻ đầy tính chủ nghĩa dân tộc. Khả năng sa lầy của Mỹ và đồng minh cùng lúc tại cả 3 cuộc chiến đã hiện hữu dù cuộc chiến Libya vừa mới bắt đầu.

Một đặc điểm khác mà Mỹ và đồng minh cần tính tới là đặc thù về kết cấu xã hội của Libya. Quốc gia này hiện vẫn ảnh hưởng nặng nề của văn hóa bộ tộc, bộ lạc. Liệu phương Tây có giành được sự ủng hộ của đa số (chứ không dám nói là toàn bộ) các bộ tộc ở quốc gia Bắc Phi này hay không. Nếu điều này không xảy ra, lực lượng phương Tây có thể cũng chỉ được coi như một “bộ tộc” khác ở Libya mà thôi. Khi đó, thậm chí các “bộ tộc” bản địa sẽ hợp sức lại để đánh đuổi “bộ tộc” ngoại bang ra khỏi lãnh thổ Libya. Nhiều người dân Libya hiện cho rằng phương Tây chỉ muốn dầu mỏ của họ chứ không đến Libya để giúp đỡ họ như những gì vẫn rêu rao.

Ngay cả lực lượng nổi dậy ở Libya cũng không thích sự hiện diện của lực lượng nước ngoài trên lãnh thổ của họ

Đối với tình hình hiện tại, cũng có thể xảy ra hai trường hợp. Trường hợp thứ nhất là chỉ có một cuộc chiến tranh hạn chế bằng không quân và tên lửa Tomahawk nhằm làm suy yếu lực lượng ủng hộ ông Gaddafi, hỗ trợ lực lượng nổi dậy. Mỹ cũng đã tuyên bố sẽ không đưa bộ binh tham chiến tại Libya. Nhưng nếu chỉ dừng lại ở mức độ “nửa vời” như vậy, phương Tây có thể phải ngồi nhìn một Libya hỗn loạn và chiến thắng cuối cùng có thể lại nghiêng về lực lượng của ông Gaddafi.

Mỹ và đồng minh chắc chắn sẽ không “đành lòng” với khả năng trên. Mỹ không đưa quân vào Libya thì đã có Anh, Pháp và nhiều quốc gia khác. Từ đầu cuộc chiến, chỉ có Mỹ tuyên bố không đưa bộ binh tham chiến trong khi các đồng minh của họ chưa hề đề cập đến vấn đề này. Theo cách nói của chuyên gia Lucio Caraccio thì kịch bản thứ hai sẽ là quân Anh, Pháp cuối cùng phải "mang hia đội mũ" nhảy vào các vùng cát sa mạc để dẫn các toán quân chống lại ông Gaddafi tiến về Tripoli. Bên cạnh đó, chiến tranh sẽ “không cho phép” người Mỹ giữ lời hứa. Khi cần, Mỹ sẵn sàng đưa quân vào Libya dưới chiêu bài “nhân đạo”, “giám sát tình hình” hay một nhiệm vụ nào đó mà họ cho là cần thiết.

Bảo Minh

Nhận bài viết mới qua E-mail:
*Vui lòng click vào Link được gửi vào hộp thư của bạn để xác nhận*

Đăng Nhận xét của bạn!

Bạn có thể để lại nhận xét của mình và tuân thủ theo các nguyên tắc sau:
» Nội dung nhận xét phải nghiêm túc, không dung tục và không Spam.
» Bạn có thể sử dụng các tài khoản: Google, WordPress, AIM, Liveournal ... để viết nhận xét.
» Nếu không có tài khoản, bạn vẫn có thể viết nhận xét bằng cách chọn hồ sơ là Tên/URL hay Ẩn danh.
Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

 
Đối tác | Phong thuy | Tài Chính - Kế Toán | Truyện Tranh Online | Code1k.com | Movang.info | Quần Áo Rẻ Đẹp | 123 Mua Nhanh | SucManhSEO™ | Dịch Thuật Việt |

Hot Defence | ©2008 - 2010 All Rights Reserved by Khanh Nguyen | Website được xây dựng trên nền Blogspot | Xem tốt nhất trên trình duyệt FireFox.

Xin liên hệ Khanh Nguyen qua số ĐT: 016.93.94.95.96
Lượt khách : xxxxx Lượt truy cập : xxxxx
Đầu trang
Giữa trang
Cuối trang