'Trung Đông mới' sẽ vượt tầm kiểm soát của Mỹ?


QDND - Trung Đông và Bắc Phi là một khu vực có tầm quan trọng chiến lược và luôn chiếm một vị trí quan trọng trong các tính toán lợi ích toàn cầu của Mỹ. Nằm giữa châu Á, châu Âu và châu Phi, các căn cứ quân sự của Mỹ trong khu vực như ở A-rập Xê-út, Ba-ranh và Ô-man giúp Mỹ kiểm soát toàn bộ hoạt động hàng hải tại vùng vịnh Péc-xích, nơi phần lớn lượng dầu mỏ của Trung Đông xuất khẩu ra thế giới phải đi qua. Từ đây, lực lượng quân sự của Mỹ có thể nhanh chóng đối phó được với những mối đe dọa đến lợi ích của Mỹ có thể đến từ các nước lớn khác trong khu vực.

Cũng từ Trung Đông, Mỹ có khả năng can thiệp vào bất kỳ cuộc xung đột nào ở châu Âu. Trung Đông là nơi Mỹ có một đồng minh thân cận - I-xra-en, một quốc gia nhỏ bé nhưng lại là tiền phương vững chắc giúp Mỹ đối phó với các vấn đề khu vực, đồng thời quốc gia này còn có ảnh hưởng lớn đến chính trị nội bộ Mỹ. Bảo vệ I-xra-en từ lâu đã trở thành một cam kết đối với Mỹ. Bên cạnh đó, Bắc Phi và Trung Đông là nơi có kênh đào Xuy-ê (Suez) vốn được mệnh danh là “động mạch chủ” của nền kinh tế toàn cầu. Bắc Phi còn được các phần tử khủng bố chọn làm nơi dung thân, do đó Bắc Phi cũng như cả "châu lục đen" là vùng Mỹ rất quan tâm, kiểm soát.

Một góc căn cứ hải quân Mỹ ở Ba-ranh. Ảnh tư liệu

Thời gian đầu sau khi Liên Xô tan rã, Mỹ đã trở thành quốc gia chiếm ưu thế gần như tuyệt đối ở Trung Đông. Nhưng gần đây, tình hình thực tế diễn biến có nhiều bất lợi đối với Mỹ. Oa-sinh-tơn ngày càng đứng trước nguy cơ mất dần ảnh hưởng và mất quyền kiểm soát ở Trung Đông. Các cuộc đàm phán hòa bình giữa I-xra-en và Pa-le-xtin do Mỹ bảo trợ đã chính thức sụp đổ và Pa-le-xtin đang có kế hoạch sử dụng con đường ngoại giao để tiến hành những bước đi đơn phương, dự kiến sẽ tuyên bố thành lập nhà nước độc lập vào tháng 9-2011. Thổ Nhĩ Kỳ, một đồng minh NATO của Mỹ lại đang nổi lên như một đối thủ của Mỹ ở Trung Đông. Học thuyết “mua láng giềng gần” của Ngoại trưởng A-mét Đa-vu-tô-glu (Ahmet Davutoglu) đang gây khó chịu cho Oa-sinh-tơn trong một số vấn đề. Thổ Nhĩ Kỳ đang tìm kiếm khu vực thương mại tự do với Gioóc-đa-ni, Xy-ri, xây dựng mối quan hệ mới với Li-băng, tìm cách mở rộng quan hệ thương mại với I-ran và đang ngày càng tỏ ra ủng hộ Pa-le-xtin. Thời gian qua, Mỹ lại chủ quan khi tin rằng, số tiền viện trợ khổng lồ mà Mỹ rót cho Ai Cập hằng năm sẽ bảo đảm cho Ai Cập tiếp tục ổn định và hợp tác phù hợp với lợi ích của Mỹ. Tuy nhiên, gần đây Ai Cập lại có xu hướng tìm cách thoát khỏi sự lãnh đạo của Oa-sinh-tơn và không còn phục vụ đắc lực cho các lợi ích của Mỹ tại khu vực…

Bởi vậy, nhiều nhà quan sát cho rằng, những biến cố chính trị tại Trung Đông và Bắc Phi còn có nguyên nhân sâu xa là do Mỹ và phương Tây đang cố gắng thay đổi các cấu trúc chính trị mới tại khu vực này, để có thể củng cố vị trí của mình và kiểm soát chặt chẽ hơn. Đang có sự lợi dụng những bất ổn trong lòng xã hội của các quốc gia này để kích động, tạo ra một làn sóng chống đối mới nhằm thay đổi các chính phủ mà Mỹ và phương Tây đã dung dưỡng lâu nay, để lập ra các chính phủ mới có quan điểm gần gũi hơn và tạo cho Oa-sinh-tơn có vị thế mạnh hơn và vững chắc hơn tại khu vực. Đối với I-ran, Mỹ không ngần ngại lợi dụng biến cố từ Ai Cập và Tuy-ni-di để kêu gọi lực lượng đối lập đứng dậy, tập hợp quần chúng biểu tình chống chính quyền, kêu gọi lật đổ chính quyền Tổng thống I-ran M. A-ma-đi-nê-giát, hình thành một chính phủ mới theo ý muốn của Mỹ và phương Tây, hòng giải quyết rốt ráo vấn đề hạt nhân, đồng thời nhổ được “cái gai” trong mắt Mỹ và phương Tây ở khu vực Trung Đông.

Nhưng diễn biến tình hình tại Trung Đông và Bắc Phi hiện nay đang vượt ra khỏi tầm kiểm soát của Mỹ. Sự sụp đổ của chế độ Mu-ba-rắc - một trong những trụ cột chính trị của Mỹ ở Trung Đông trong suốt 3 thập niên qua, xuất hiện hiệu ứng đô-mi-nô tại khu vực, đã và đang hình thành một “Trung Đông mới”. Cấu trúc địa chính trị của khu vực đang có sự thay đổi nhưng rõ ràng nó không phụ thuộc vào ý muốn của người Mỹ và phương Tây, mà nó lại đang được định hình bởi các biến động chính trị ở Bắc Phi, sự quyết đoán của Thổ Nhĩ Kỳ, sự không khoan nhượng của I-ran, và sự suy yếu của I-rắc… Mỹ cũng đang lo lắng dõi theo tình hình tại Ba-ranh, nước hiện là nền tảng trong chiến lược của Mỹ nhằm hạn chế ảnh hưởng của I-ran trong khu vực. Nếu Ba-ranh phải trải qua một tiến trình chuyển tiếp như ở Ai Cập, điều đó sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến chính sách đối ngoại của Mỹ. Việc quốc đảo này nằm ở ngoài khơi A-rập Xê-út và Hạm đội 5 của Mỹ đang đồn trú ở đây tạo cho Oa-sinh-tơn một căn cứ hoàn hảo, giúp Mỹ có thể bảo vệ dòng dầu trong vịnh Péc-xích, để mắt đến I-ran và hỗ trợ các vương quốc vùng Vịnh ủng hộ phương Tây trước những nguy cơ tiềm tàng. Nếu Oa-sinh-tơn bị mất quyền đóng quân tại Ba-ranh, Hải quân Mỹ sẽ khó khăn hơn trong việc ngăn chặn I-ran, ủng hộ I-rắc, củng cố quan hệ đồng minh với A-rập Xê-út.

Như vậy, Trung Đông và Bắc Phi đang đứng trước một bước ngoặt chiến lược. Trong quá trình này, liên minh Mỹ - I-xra-en chắc chắn sẽ không “ngồi yên” để cho cấu trúc này thay đổi theo chiều hướng bất lợi cho họ. Trong khi đó, ngay sau khi xảy ra những biến cố tại Ai Cập, Tổng thống I-ran M. A-ma-đi-nê-giát cũng tuyên bố, rằng "một Trung Đông mới" sẽ sớm được hình thành và Mỹ cũng như I-xra-en sẽ không còn chỗ đứng ở khu vực này.

Hà Vy
Nhận bài viết mới qua E-mail:
*Vui lòng click vào Link được gửi vào hộp thư của bạn để xác nhận*

Đăng Nhận xét của bạn!

Bạn có thể để lại nhận xét của mình và tuân thủ theo các nguyên tắc sau:
» Nội dung nhận xét phải nghiêm túc, không dung tục và không Spam.
» Bạn có thể sử dụng các tài khoản: Google, WordPress, AIM, Liveournal ... để viết nhận xét.
» Nếu không có tài khoản, bạn vẫn có thể viết nhận xét bằng cách chọn hồ sơ là Tên/URL hay Ẩn danh.
Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

 
Đối tác | Phong thuy | Tài Chính - Kế Toán | Truyện Tranh Online | Code1k.com | Movang.info | Quần Áo Rẻ Đẹp | 123 Mua Nhanh | SucManhSEO™ | Dịch Thuật Việt |

Hot Defence | ©2008 - 2010 All Rights Reserved by Khanh Nguyen | Website được xây dựng trên nền Blogspot | Xem tốt nhất trên trình duyệt FireFox.

Xin liên hệ Khanh Nguyen qua số ĐT: 016.93.94.95.96
Lượt khách : xxxxx Lượt truy cập : xxxxx
Đầu trang
Giữa trang
Cuối trang