Bí mật về việc NATO tham chiến ở Afghanistan


CAND - Lâu nay, cuộc chiến chống khủng bố của liên quân NATO do Mỹ dẫn đầu ở Afghanistan được biết đến một cách chính thức như là nỗ lực nhằm bảo đảm an ninh cho các quốc gia có gửi quân tham chiến. Tuy nhiên, những tiết lộ mới nhất của một số cựu sĩ quan chỉ huy cao cấp của quân đội Mỹ từng tham gia hoạch định chiến lược ở Afghanistan cho thấy NATO tham gia cuộc chiến không phải vì bảo đảm an ninh các nước mà đằng sau đó là những nỗ lực chính trị của Lầu Năm Góc nhằm duy trì hoạt động cho tổ chức này.

Cuộc chuyển giao trọng trách từ Mỹ sang NATO

Một trong những nguyên nhân dẫn đến việc vận động hậu trường nói trên là vấn đề sống còn của cuộc chiến tại Iraq khiến chính quyền Tổng thống George W. Bush buộc phải tính toán lại mức độ gánh vác trách nhiệm của mình tại Afghanistan. Theo tiết lộ của các cựu sĩ quan, Tổng thống Mỹ Bush muốn NATO gánh trọng trách chính tại Afghanistan để Mỹ rảnh tay tập trung cứu vãn cuộc chiến đang sa lầy tại Iraq.

Kế hoạch chuyển giao trách nhiệm chính tại chiến trường Afghanistan từ Mỹ sang NATO được Bộ trưởng Quốc phòng Donald Rumsfeld khởi xướng và chỉ đạo cho tướng James Jones - Chỉ huy tối cao liên quân ở châu Âu (SACEUR) giai đoạn 2003-2005 trực tiếp thực hiện. Tướng Jones đã vận động rất quyết liệt cho việc này, và được hỗ trợ bởi một lực lượng vận động hậu trường rất hùng hậu bao gồm các quan chức phụ trách quan hệ với NATO bên trong Lầu Năm Góc, đặc biệt là các phụ tá của ông Rumsfeld.

Nhưng việc vận động chuyển giao trách nhiệm ấy không hề dễ dàng bởi các đồng minh NATO đã phản đối cuộc chiến của Mỹ tại Iraq, và họ chỉ muốn thể hiện sự ủng hộ việc ổn định và tái thiết Afghanistan. Trong khi đó, tướng Jones vẫn cố tìm cách hối thúc các quốc gia thành viên NATO cung cấp quân cho chiến trường Afghanistan và mở rộng các hoạt động của NATO từ miền Bắc sang miền Tây Afghanistan và sau đó là sang miền Đông và xuống miền Nam. Lộ trình này xem ra có vẻ phù hợp với mong muốn của các lãnh đạo quân sự lẫn chính trị của các nước NATO.

Một vấn đề lớn cần phải giải quyết là dư luận các nước NATO lúc đó đang quyết liệt chống lại việc NATO tham chiến ở Afghanistan. Vì thế, để thuyết phục các đồng minh NATO tăng viện quân cho Afghanistan giai đoạn 2003-2005, tướng Jones đã đảm bảo với các nước thành viên rằng họ chỉ làm công việc "hậu kỳ" sau khi quân Mỹ đã đánh tan quân Taliban.

Trong chuyến thăm Afghanistan vào tháng 8/2004, tướng Jones tiếp tục khẳng định sẽ không xảy ra tình trạng tương tự Iraq tại Afghanistan nhằm thuyết phục các nước đồng minh tăng quân. Như vậy là, sau khi được Washington bảo đảm, các nước thành viên NATO đã từng bước tiếp nhận trách nhiệm. Tháng 9/2005, các bộ trưởng quốc phòng thành viên NATO đã chính thức đồng ý để NATO tiếp quản chỉ huy miền Nam Afghanistan vào năm 2006.

Nhưng mâu thuẫn ngay lập tức nảy sinh giữa Mỹ và các nước thành viên NATO về cách gọi sứ mệnh của họ tại Afghanistan như thế nào cho phù hợp. Anh, Đức, Canada và Hà Lan đều thông báo trước công chúng rằng sứ mệnh NATO ở Afghanistan là "gìn giữ hòa bình" hoặc "hỗ trợ tái thiết" chứ không phải là cuộc chiến chống quân nổi dậy Taliban. Và khi tìm cách sáp nhập hai bộ chỉ huy tại Afghanistan của Mỹ và NATO làm một, Mỹ lại gặp phải sự chống trả quyết liệt của một số đồng minh chủ chốt. Những nước này lập luận rằng, 2 bộ chỉ huy mang những sứ mệnh khác nhau nên không thể nhập chung được.

Mặt khác, nước Pháp cũng cho rằng, chính quyền Bush khi ấy đang muốn lợi dụng quân NATO để lấp khoảng trống do việc Mỹ điều chuyển quân từ Afghanistan sang chiến trường Iraq - vốn cũng đang là điều mà nhiều nước thành viên NATO phản đối gay gắt.

Kết quả là lần lượt từng nước thành viên NATO hủy kế hoạch tác chiến hoặc hạn chế tối đa việc triển khai tác chiến ở Afghanistan. Ngay cả khi Tổng thống Bush cố gắng thuyết phục các đồng minh NATO rằng họ sẽ không phải đối mặt với sự trỗi dậy của lực lượng Taliban, thì thông tin tình báo lại báo cáo điều ngược lại: quân nổi dậy Taliban đang ngày càng lớn mạnh và sẽ tăng cường tấn công vào mùa xuân năm 2006.

Thời điểm đó, Ronald E. Neumann vừa mới được bổ nhiệm làm Đại sứ Mỹ tại Afghanistan. Trong quyển hồi ký của mình (xuất bản năm 2009), cựu Đại sứ Neumann viết rằng, lúc đó ông cùng với tướng Karl Eikenberry - người vừa được bổ nhiệm làm tổng chỉ huy quân Mỹ tại Afghanistan vào năm 2005 - đã cảnh báo với Washington rằng, tình hình dư luận tranh cãi gay gắt tại các nước thành viên NATO về các cam kết gửi quân sang Afghanistan "đang tạo nên cảm giác chung về sự yếu kém chính trị của NATO".

Ông Neumann viết tiếp, bản thân ông và tướng Eikenberry đều tin "quân nổi dậy sẽ chớp thời cơ ISAF (Lực lượng hỗ trợ an ninh quốc tế) mở rộng hoạt động và sự hiện diện của lính hợp đồng Mỹ để nhóm lửa chiến tranh". Thế nhưng, tướng Eikenberry lại trấn an báo chí rằng, “tình hình quân nổi dậy vẫn trong tầm kiểm soát".

Tại cuộc họp báo ở Lầu Năm Góc ngày 8/12/2005, tướng Eikenberry khẳng định, việc Taliban tăng cường hoạt động nổi dậy là một "dấu hiệu rất rõ của sự suy yếu". Khi báo chí hỏi liệu tình hình Afghanistan có đi theo kịch bản Iraq hay không, tướng Eikenberry đáp gọn: "Không có dấu hiệu nào cho thấy điều đó".

Như thể chứng minh cho lời nói của tướng Eikenberry, khoảng hai tuần sau đó, quân Taliban đã thực hiện một cuộc tấn công quy mô lớn nhất kể từ năm 2001 và chiếm quyền kiểm soát phần lớn lãnh thổ các tỉnh Helmand, Kandahar và vài tỉnh khác ở miền Nam Afghanistan.

Những "sự cố" nêu trên dường như không hề khiến Eikenberry chùn bước. Giữa năm 2006, theo lệnh của Rumsfeld, Jones tiếp tục chiến dịch thúc đẩy chuyển giao miền Nam Afghanistan sang cho NATO đảm trách. Với hoạt động này, Jones được cất nhắc rút về Brussels cho làm Phó chủ tịch Ủy ban Quân sự của NATO.

Đánh nhau để tồn tại?

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn với cơ quan báo chí quân đội Mỹ, đích thân tướng Jones nhận rằng, lúc đó NATO tìm mọi cách để tránh bị rơi vào tình thế "có cũng như không" sau khi đối thủ chính là Liên Xô và khối Warsaw đã không còn nữa. Nhưng sự kiện 11/9/2001 đã làm thay đổi nhiều thứ, kể cả việc tạo cơ hội cho NATO chứng tỏ lý do tồn tại của mình.

Còn tướng Eikenberry, trong một cuộc điều trần trước Quốc hội Mỹ vào đầu tháng 2/2007, cũng đã khẳng định thực chất của chính sách chuyển giao quyền chỉ huy chiến trường từ quân đội Mỹ sang quân NATO là vì tương lai của khối quân sự thời Chiến tranh lạnh này hơn là vì an ninh sống còn của Afghanistan.

Tướng Eikenberry nhấn mạnh, sự thành bại của chiến trường Afghanistan rất quan trọng đối với NATO, bởi thất bại tại đây có thể dẫn đến sự tan rã của khối. Sự tham gia của NATO tại Afghanistan đã thể hiện được "vai trò đích thực" của một liên minh "đánh nhau để tồn tại". Chiến trường Afghanistan đã được sử dụng làm bệ phóng để NATO thực hiện chiến lược "thay hình đổi dạng" cho phù hợp với tình hình thế giới mới. theo tướng Eikenberry, sứ mệnh tại chiến trường Afghanistan có thể đánh dấu sự khởi đầu cho những nỗ lực cải tổ phương thức hoạt động của khối NATO trong mọi tình huống, mọi địa hình.

Cũng theo tướng Eikenberry, NATO có thể sử dụng Aghfanistan để thúc ép một số thành viên trong khối đẩy mạnh việc "hiện đại hóa quân đội".

Tuy nhiên, trong quyển hồi ký nhan đề "A Soldier First" (tạm dịch: Trước hết tôi là một người lính) xuất bản năm 2009, tướng Rick Hillier, người Canada, từng chỉ huy các lực lượng NATO tại Afghanistan từ tháng 2/2005 đến năm 2008, lại viết điều ngược lại hoàn toàn, ông cho rằng, NATO hoàn toàn là một "tai họa" ở Afghanistan. Tướng Hillier hồi tưởng lại từ khi chính thức bắt đầu nhận nhiệm vụ tại Afghanistan vào năm 2003, NATO "không hề có lấy một chiến lược hay mục tiêu nào rõ ràng", còn nói về thành tích thì thật là "thảm họa".

Tướng Hillier viết, sau nhiều năm NATO đóng quân và tham chiến tại Afghanistan, tình hình an ninh tại nước này vẫn không có chuyển biến gì đáng kể. Thực tế đã chứng minh, với việc tham chiến tại Afghanistan, uy tín của NATO không hề được cải thiện, tham vọng vươn ra bá chủ toàn cầu của khối không hề tiến triển được bước nào, mà ngược lại khối này đang ngày càng chứng tỏ sự suy yếu và rệu rã. Afghanistan đã làm xói mòn niềm tin và sự ủng hộ của các nước thành viên đối với sứ mệnh của khối tại đất nước Nam Á này.

Như vậy, mục tiêu ban đầu của NATO khi tham chiến tại Afghanistan đã không đạt được, thậm chí đạt kết quả ngược lại là khối đang ngày càng tiến nhanh hơn đến chỗ suy vong

Nguyên Khang (tổng hợp)
Nhận bài viết mới qua E-mail:
*Vui lòng click vào Link được gửi vào hộp thư của bạn để xác nhận*

Đăng Nhận xét của bạn!

Bạn có thể để lại nhận xét của mình và tuân thủ theo các nguyên tắc sau:
» Nội dung nhận xét phải nghiêm túc, không dung tục và không Spam.
» Bạn có thể sử dụng các tài khoản: Google, WordPress, AIM, Liveournal ... để viết nhận xét.
» Nếu không có tài khoản, bạn vẫn có thể viết nhận xét bằng cách chọn hồ sơ là Tên/URL hay Ẩn danh.
Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

 
Đối tác | Phong thuy | Tài Chính - Kế Toán | Truyện Tranh Online | Code1k.com | Movang.info | Quần Áo Rẻ Đẹp | 123 Mua Nhanh | SucManhSEO™ | Dịch Thuật Việt |

Hot Defence | ©2008 - 2010 All Rights Reserved by Khanh Nguyen | Website được xây dựng trên nền Blogspot | Xem tốt nhất trên trình duyệt FireFox.

Xin liên hệ Khanh Nguyen qua số ĐT: 016.93.94.95.96
Lượt khách : xxxxx Lượt truy cập : xxxxx
Đầu trang
Giữa trang
Cuối trang