Những vũ khí thần kỳ


NLD - Kế hoạch tấn công Mỹ của Hitler bao gồm nhiều loại vũ khí thần kỳ đi trước thời đại như “máy bay oanh tạc Mỹ” Me 264 khổng lồ, bom bay V-1, V-2 đến tên lửa đạn đạo liên lục địa A-10/A-9

Tháng 4-1942, các nhà chiến lược Đức hoàn tất kế hoạch tấn công Mỹ. Danh sách mục tiêu bao gồm 21 nhà máy chế tạo các thiết bị quân sự quan trọng ở miền Đông duyên hải nước Mỹ, như Nhà máy Sản xuất động cơ máy bay Pratt & Whitney ở Đông Harford, bang Connecticut, hay Nhà máy Sperry Gyroscopes chế tạo thiết bị phi hành ở Brooklyn, New York.

Để thực hiện kế hoạch nói trên, Đức cần những vũ khí hiện đại. Đặc biệt, Đức cần máy bay ném bom đường dài có thể bay tới Mỹ từ Pháp rồi bay về mà không cần tiếp tế nhiên liệu. Chiếc máy bay ném bom kiểu này đầu tiên mang tên Messerschmitt Me 264 có thể bay xa trên 18.000 km và chở 5 tấn bom được trình làng năm 1937.

Máy bay ném bom Ju 390. Ảnh: tư liệu

Từ Me 264 đến Ju 360

Mãi đến năm 1941, hãng Messerschmitt mới nhận được hợp đồng chế tạo thử 6 chiếc Me 264. Nếu thành công, Chính phủ Đức sẽ đặt thêm 24 chiếc để đánh Mỹ. Ngoài Messerschmitt, còn có 4 hãng máy bay khác là Junkers, Heinkeil, Focke-Wulf và Horten tham gia cuộc chạy đua sản xuất “Máy bay oanh tạc Mỹ” (Amerika Bomber) theo cách gọi của Hitler. Trong số này, đáng chú ý nhất là Công ty Junkers thuộc quyền quản lý của không quân Đức đã chế tạo được máy bay ném bom hạng trung loại Ju 290. Để đáp ứng yêu cầu đánh Mỹ, chiếc Ju 290 được nâng cấp lên Ju 360 có 6 động cơ (công suất mỗi động cơ là 1.700 ngựa). Với sải cánh dài 61,54 m và chiều dài 37,4 m, chiếc Ju 390 được xem là máy bay ném bom lớn nhất thế giới lúc bấy giờ.

Năm 1943, Đức đã sản xuất thử được 3 chiếc Me 264, hai chiếc Ju 360 và 8 chiếc He 277 (của hãng Heinkel), hai mẫu Ta 400 (của hãng Focke-Wulf) và Ho 18 (của Horten) nhưng không đạt yêu cầu. Có tin đồn một chiếc Ju 390 từng bay qua Mỹ, chỉ cách New York 19 km và chụp ảnh đảo Long Island ở kế bên. May thay, lúc đó Đức cần dành ưu tiên để sản xuất máy bay chiến đấu khác, nên kế hoạch sản xuất “Máy bay oanh tạc Mỹ” không có thời gian triển khai.

Bom bay V-1, V-2

Tháng 6-1944, Đức triển khai một loại “vũ khí thần kỳ” mới: tên lửa hành trình V-1 đầu tiên trên thế giới. Đây là một kiểu máy bay phản lực không người lái nhỏ phóng từ một bệ phóng dài. Chiếc V-1 có thể mang đầu đạn chứa 900 kg thuốc nổ và tấn công mục tiêu ở khoảng cách 151,6 km. Do đó, cũng được gọi là bom bay.

Bom bay V-1 đã được dùng để oanh tạc London từ nước Pháp mà người Anh không có cách gì ngăn chặn. Nó bay quá nhanh (gần 4 lần tốc độ âm thanh) nên không có loại vũ khí phòng không nào bắn kịp và cũng không có chiến đấu cơ nào đuổi kịp. Ngay cả khi bị bắn trúng, nó cũng không rớt. Trong thế chiến thứ hai, đã có 23.000 người bị V-1 giết chết, trong đó có 2.745 cư dân London. Mối đe dọa khủng khiếp này chỉ được ngăn chặn khi quân đội đồng minh đánh chiếm được các bệ phóng V-1 của Đức.

V-1 bắn tới London nhưng không bắn tới nước Mỹ. Vì vậy, các nhà khoa học tiếp tục phát triển V-2, là tên lửa đạn đạo đầu tiên được dùng trong một cuộc chiến hiện đại. Người có ý tưởng dùng V-2 là tiến sĩ Bodo Lafferentz, một trong những kỹ sư giỏi nhất của Đức quốc xã.

Từ mùa thu 1943, Đức bắt đầu triển khai kế hoach mang tên “Prufstand XII” tấn công các thành phố Mỹ bằng V-2. Theo kế hoạch này, tàu ngầm Đức sẽ kéo 3 thùng container hàn kín, mỗi thùng chứa một V-2 đến cách bờ biển Mỹ khoảng 160 km. Đến nơi, phần đuôi container sẽ được bơm nước để làm nổi phần đầu theo chiều thẳng đứng. Thùng container trở thành một bệ phóng V-2 nổi. Sau 30 phút chuẩn bị, chiếc V-2 có thể xuất kích. Trong khi 3 chiếc V-2 tiến về New York và các thành phố khác, các thùng container rỗng sẽ bị nhấn chìm xuống đáy biển.

Tháng 4-1945, Đức bắt đầu chế tạo 3 thùng container đặc biệt nhưng trong lúc thi công, công xưởng sản xuất container này bị Hồng quân Liên Xô đánh chiếm.

Tên lửa đạn đạo liên lục địa

Ngoài phương án V-2 nói trên, Đức còn một phương án khác, theo đó bom bay V-2 được gắn thêm cánh (gọi là A-4) và một tầng tên lửa đẩy phụ có tên A-10. Tầng phụ này sẽ đẩy A-4 lên độ cao 56 km rồi tách ra, rơi xuống đất. Chiếc A-4 tiếp tục hành trình đến mục tiêu.

Sau đó, các kỹ sư tiếp tục cải tiến A-4 thành A-9. Theo kỹ sư Walter Dornberger, tổ hợp A-9/A-10 có thể đánh trúng mục tiêu ở cách xa 4.000 km trong vòng 35 phút. Trên đường bay, nó sẽ được nhiều phao tiêu nổi trên biển hướng dẫn bay đến mục tiêu bằng tín hiệu radio.

Rất may, trước khi các phương án nói trên được đưa vào hoạt động, chiến tranh kết thúc với phần thắng thuộc về phe Đồng minh.

Tổ hợp tên lửa A-10/A-9. Ảnh: Unmuseum

Từ năm 1944, máy bay Anh-Mỹ chụp ảnh được 7 kiến trúc kiên cố kiểu boong-ke trên lãnh thổ Pháp nhưng không biết để làm gì. Sau này, mới biết nó dùng để phóng V-1 và V-2. Đa số boong-ke hướng về London hoặc Bristol. Đặc biệt có một boong-ke ở Wizernes hướng về thành phố New York làm người Mỹ thất kinh. Hầm boong-ke này có nhiều cửa thép chống bom to gấp đôi tên lửa A4.

Liệu các kế hoạch nói trên có khả thi? Theo một nghiên cứu khoa học sau này của hải quân Mỹ, nó khả thi nếu có thời gian. Bằng chứng là nhiều nhà khoa học Đức quốc xã liên quan đến những kế hoạch đó đều được Liên Xô và Mỹ rước về phát triển chương trình tên lửa đạn đạo liên lục địa có thể mang đầu đạn hạt nhân của mình.

Văn Anh (Theo Người Lao Động)
Nhận bài viết mới qua E-mail:
*Vui lòng click vào Link được gửi vào hộp thư của bạn để xác nhận*

Đăng Nhận xét của bạn!

Bạn có thể để lại nhận xét của mình và tuân thủ theo các nguyên tắc sau:
» Nội dung nhận xét phải nghiêm túc, không dung tục và không Spam.
» Bạn có thể sử dụng các tài khoản: Google, WordPress, AIM, Liveournal ... để viết nhận xét.
» Nếu không có tài khoản, bạn vẫn có thể viết nhận xét bằng cách chọn hồ sơ là Tên/URL hay Ẩn danh.
Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

 
Đối tác | Phong thuy | Tài Chính - Kế Toán | Truyện Tranh Online | Code1k.com | Movang.info | Quần Áo Rẻ Đẹp | 123 Mua Nhanh | SucManhSEO™ | Dịch Thuật Việt |

Hot Defence | ©2008 - 2010 All Rights Reserved by Khanh Nguyen | Website được xây dựng trên nền Blogspot | Xem tốt nhất trên trình duyệt FireFox.

Xin liên hệ Khanh Nguyen qua số ĐT: 016.93.94.95.96
Lượt khách : xxxxx Lượt truy cập : xxxxx
Đầu trang
Giữa trang
Cuối trang