Tia chớp F-35: Chê nhiều hơn khen


VNDF - Việc ra mắt tiêm kích thế hệ 5 Т-50 của Nga đã khơi dậy trở lại mối quan tâm đối với các đối thủ nước ngoài của nó. Té ra, các máy bay đối thủ của Mỹ không phải mọi chuyện đều xuôn xẻ.

Đối thủ chính của T-50 là tiêm kích hạng nặng F-22A Raptor của Mỹ. Đây là một máy bay đánh chặn mạnh mẽ tuyệt vời và bay nhanh, nhưng nó rất yếu về mặt tác chiến đối đất. Kết liễu số phận của nó là vấn đề giá cả. F-22A sản xuất năm 2008 nếu tính cả chi phí phát triển và các chi phí khác có giá khoảng 355 triệu USD/chiếc. Т-50 hứa hẹn có giá rẻ hơn gần 4 lần. Quốc hội Mỹ không khoái cái tỷ lệ “1 tấn trọng lượng F-22 bằng giá 1 tấn vàng”. Sau khi mua 183 chiếc, việc sản xuất F-22 sẽ dừng lại. Và đối thủ chính của Т-50 trong số các máy bay thế hệ 5 sẽ là F-35 Lightning II (Tia chớp) được chế tạo trong khuôn khổ chương trình JSF.

Các kỹ sư của Lockheed Martin bị giao bài toán hóc búa, oái oăm ít gặp là lai giống con rắn nước và con nhím Họ đã hết sức giải bài toán đó ở chừng mực có thể.

Thai sinh ba

Khi chương trình JSF bắt đầu, nhiều người tưởng là không gì có thể làm cho quyền lực của bác chủ thế giới Mỹ lo lắng. Nga thì tối tăm mặt mũi bởi những vấn đề nội bộ và đang trong tình trạng hoang tàn, Trung Quốc thì cũng chả mấy quan tâm đến thế giới xung quanh. Bởi vậy, ưu tiên đầu tiên không phải là hiệu quả chiến đấu, cũng chẳng phải tính năng kỹ thuật cao mà là giá cả.

Mỹ rất muốn có một phương tiện mang vũ khí chính xác rẻ tiền ở trình độ cao hơn mấy cái đầu so với “những gã thổ dân bất trị” của các quốc gia cứng đầu, nhưng lại có khả năng tác chiến tầm xa bằng tên lửa. Các nhà phân tích phương Tây khi đó lại một lần nữa “chôn vùi” không chiến tầm gần vì nghĩ rằng, những tên lửa cơ động, cao tốc và radar tối tân của máy bay tàng hình sẽ giải quyết tất cả.

Kết quả là F-35 đã được phát triển thành 3 biến thể: F-35A dành cho không quân, F-35B – biến thể cất cánh đường băng ngắn/hạ cánh thẳng đứng dành cho thủy quân lục chiến và tàu sân bay hạng nhẹ, F-35C dành cho không quân hải quân. Dự kiến các máy bay sẽ có mức độ chuẩn hóa 70-80% và đơn giá khi bắt đầu phát triển được xác định là 45-50 triệu USD.

Máy bay tồi với giá trên trời?

Ngay từ đầu, yêu cầu về tốc độ tối đa là khá khiêm tốn - chỉ gần 1750 km/h khi bay ở độ cao lớn. Thế là lập tức F-35 thua kém tuyệt đối tất cả các tiêm kích, kể cả những loại lạc hậu. Mà tốc độ hành trình và tối đa càng cao bao nhiêu thì máy bay sẽ đến tuyến đánh chặn đối phương nhanh bấy nhiêu. Hoặc thoát khỏi trận chiến nhanh chóng nếu tình hình không ổn. Thế mà F-35 sẽ không thể thoát ly trận đánh, nó sẽ bị đuổi kịp và bắn hạ. Người ta đã có được một máy bay dành cho hiệp sĩ cảm tử ‘điếc không sợ súng’.

Nó cũng thua kém tất cả các tiêm kích hiện đại cả về tốc độ leo cao, chẳng hạn thua MiG-29 1,5 lần về thông số này. Còn về mức trang bị sức kéo, F-35 thua kém tuyệt đối tất cả các tiêm kích thế hệ 4, thậm chí cả J-10A của Trung Quốc. F-35 không có động cơ vector lực kéo thay đổi. Kết quả là tính năng cơ động của F-35 tệ đến nỗi trong không chiến tầm gần nó thua kém cả MiG-23MLD, loại máy bay tiêm kích thế hệ 3 đã bị loại khỏi trang bị của Không quân Nga.

Nhưng đổi lại, trong không chiến bằng tên lửa tầm xa, F-35 sẽ khiến các địch thủ tiềm tàng run sợ chăng? Đúng là nó được trang bị 1 radar anten mạng pha chủ động tốt, hệ thống ngắm-đạo hàng quang-điện tử tiên tiến. Nhưng ngay cả Su 35S với radar Irbis còn mạnh hơn nhiều cũng sẽ nhìn thấy F-35 từ cự ly đến 240 km, trong khi F-35 sẽ chỉ nhìn thấy Su-35S ở cự ly khoảng 150 km. Xét tới yếu tố Su-35S được trang bị các tên lửa tầm xa mà Lightning II không có thì trận đánh có thể kết thúc trước khi Lightning II nhìn thấy đối thủ.

Trong trận đánh với Su-30MKI, cơ hội của anh chàng tiêm kích Mỹ có cao hơn. Nhưng nếu như nó không hạ nổi gã Su bằng quả tên lửa đầu tiên thì gã này tiến được đến cự ly gần và Tia chớp sẽ tắt ngấm, hết đời trong trận cơ động chiến.

Sau khi chứng kiến kết quả mô hình hóa máy tính các trận đánh giữa F 35 với các địch thủ tiềm tàng Su-30MKI và Su-35, một đại diện của khách hàng Australia chân thành thố lộ rằng, các máy bay Su tàn sát F-35 giống như những thợ săn tàn sát những chú chim cánh cụt đáng thương.

Giám đốc điều phối chương trình F-35 ở Lầu Năm góc, Tướng Charles R. Davis đáp lại đã ví máy bay của mình như con ngựa đua giữa bầy cẩu. Ông tướng khéo mồm này lập tức bị sa thải sau khi Т-50 của Nga cất cánh. Rõ ràng là sau khi trải qua cú sốc, người ta cần có một kẻ giơ đầu chịu báng.

F-35 là máy bay có độ bộc lộ thấp (tàng hình) nên vũ khí trong đa số các trường hợp là phải mang ở trong thân. Ở dạng tiêm kích, F-35 mang trong 2 khoang bên trong 4 tên lửa tầm trung. Còn nếu trong mỗi khoang treo 1 quả bom, thì máy bay chỉ đủ chỗ để mang 2 tên lửa nữa. Ở các giá treo ngoài, nó có thể mang thêm đến 8 tên lửa. Nhưng lúc đó, F-35 sẽ đánh mất ưu thế chủ yếu của mình là tàng hình.

Với tư cách máy bay tiến công thì F-35 chẳng là cái gì cả. Tải trọng của máy bay ở chế độ tàng hình là quá ít, chỉ 1-2 tấn chẳng khác các máy bay thập kỷ 1950.

Một vấn đề không hề nhỏ của F 35 là trọng lượng của nó. Được coi là tiêm kích hạng nhẹ, theo yêu cầu kỹ thuật, máy bay cần phải có trọng lượng dưới 11 tấn. Ấy vậy mà giờ thì theo các số liệu chính thức của Lockheed Martin, F-35 có trọng lượng rỗng đã là 13,3-15,8 tấn, còn trọng lượng đầy đủ là 27,3-31,8 tấn, tức là còn nặng hơn cả các tiêm kích hạng nặng F-15C Eagle hay Su-27. Chỉ có điều mấy chú Su-27 và Eagle vừa mang được nhiều vũ khí hơn, vừa bay xa và nhanh hơn.

Thế là người ta có được một đứa trẻ Mỹ điển hình được cưng chiều hết mức, cho ăn quá nhiều hamburger, nên trở thành béo phì và nhõng nhẽo.

Các nhà thiết kế đang đấu tranh không khoan nhượng với trọng lượng giống như một thiếu nữ mua một cái áo dài dạ hội rất đắt tiền, song lại chật quá mặc không được. Lockheed Martin thậm chí còn thay thế hoặc từ bỏ các linh kiện, chi tiết có tác dụng làm tăng khả năng sống còn trong chiến đấu của máy bay, miễn là bớt được cân nào hay cân ấy.

Đắt tiền và chậm chạp

Nhưng cái nạn chính lại là chi phí leo thang của chương trình F-35 vốn tăng liên tục, không thể kìm hãm. Chiếc máy bay “giá rẻ” đã đắt lên 3 lần và trị giá 160 triệu USD/chiếc. Còn đối với các đối tác dạng như Israel thì giá đội lên ngoài 200 triệu. Trong khi đó, việc đưa F-35 vào trang bị bị trì hoãn sang năm 2016, mà có thể còn lâu hơn nữa.

Kết quả là Đan Mạch và Australia không thể chờ đợi và đành mua loại máy bay hợp lý hơn nhiều F/A-18E Super Hornet của hãng Boeing. Thổ Nhĩ Kỳ cũng có ý định từ bỏ việc mua hàng trăm chiếc F-35A và thay thế chúng bằng F-16С do họ tự lắp ráp.

Cả Quốc hội Hà Lan cũng đã bỏ phiếu ủng hộ không mua F-35A, mặc dù nước này đang tham gia chương trình và chôn 800 triệu đồng soldo dưới một gốc cây ở xứ sở của những thằng ngốc có tên Lockheed Martin.

Ông bạn vàng Anh quốc mới đây đã cho Lockheed Martin một đòn đau điếng khi đưa ra quyết định hủy bỏ kế hoạch mua 138 chiếc F-35. Không quân Israel cũng tuyên bố cắt giảm mạnh số lượng F-35 dự kiến mua từ 75 chiếc + phương án mua thêm 25 chiếc xuống còn 19 chiếc F-35A + phương án mua thêm 2-3 chiếc nữa (xem thêm: Anh từ chối F-35B: Đòn đau đối với Mỹ).

Có cái gì khá khẩm ở F-35?

Lẽ nào cả chương trình F 35 lại là một trường ca về sự ăn cướp ngân sách ở quy mô cực lớn ư? Không, dĩ nhiên là không.

Nếu bỏ qua vấn đề lương tâm của nhà sản xuất tụt cấp thì máy bay cũng không đến nỗi tồi đến thế. Các kỹ sư của Lockheed Martin đơn thuần là đã bị giao bài toán hóc búa oái oăm ít gặp là lai giống con rắn nước và con nhím mà không sử dụng công nghệ gen di truyền, tức là muốn có vừa là máy bay tiêm kích tàng hình vừa là máy bay tiến công, hơn nữa lại vừa rẻ, vừa thích hợp cho các điều kiện khai thác khác nhau. Họ đã hết sức giải bài toán đó ở chừng mực có thể. Và đôi chỗ họ giải khá ngon.

Họ đã chế tạo được một buồng lái tiện nghi tuyệt vời, kết cấu máy bay hiện đại, có khả năng mở rộng và hiện đại hóa. Họ đã phát triển cho nó một radar kích thước nhỏ mà xịn và hệ thống điều khiển vũ khí siêu việt. Động cơ rất khỏe, quả thực là phải trả giá là tiếng ồn kinh khủng và không đảm bảo mức trang bị sức kéo cho máy bay do trọng lượng tăng.

Còn anh chàng bay thẳng đứng F-35B cũng hoàn toàn chẳng phải là sự đột phá gì trong ngành chế tạo máy bay hải quân. Đây sẽ là máy bay siêu âm sản xuất loạt đầu tiên loại này.

Trong mọi trường hợp, Không quân Mỹ lúc này không phải lựa chọn. Bất kể các biện pháp trừng phạt đối với hãng Lockheed Martin (Đầu năm 2010, Bộ Quốc phòng Mỹ đã phạt công ty này bằng cách khấu trừ khoản tiền thưởng 600 triệu USD do chương trình bị chậm trễ), sa thải các quan chức của Lầu Năm góc, ngày càng nhiều người cho rằng, F-35 là một máy bay thất bại và cũng lại là một máy bay bằng vàng, Không quân Mỹ chẳng còn có phương án nào khác.

Những máy bay F-15 và F-16 cũ kỹ sẽ sắp bị loại hàng loạt và người ta sẽ chẳng còn gì để bay nữa. Bởi vậy, các kế hoạch chuyển giao máy bay có thể thay đổi xoành xoạch, nhưng F-35 vẫn tiến được đến giai đoạn sản xuất loạt.

Theo VietNamDefence
Nhận bài viết mới qua E-mail:
*Vui lòng click vào Link được gửi vào hộp thư của bạn để xác nhận*

Đăng Nhận xét của bạn!

Bạn có thể để lại nhận xét của mình và tuân thủ theo các nguyên tắc sau:
» Nội dung nhận xét phải nghiêm túc, không dung tục và không Spam.
» Bạn có thể sử dụng các tài khoản: Google, WordPress, AIM, Liveournal ... để viết nhận xét.
» Nếu không có tài khoản, bạn vẫn có thể viết nhận xét bằng cách chọn hồ sơ là Tên/URL hay Ẩn danh.
Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

 
Đối tác | Phong thuy | Tài Chính - Kế Toán | Truyện Tranh Online | Code1k.com | Movang.info | Quần Áo Rẻ Đẹp | 123 Mua Nhanh | SucManhSEO™ | Dịch Thuật Việt |

Hot Defence | ©2008 - 2010 All Rights Reserved by Khanh Nguyen | Website được xây dựng trên nền Blogspot | Xem tốt nhất trên trình duyệt FireFox.

Xin liên hệ Khanh Nguyen qua số ĐT: 016.93.94.95.96
Lượt khách : xxxxx Lượt truy cập : xxxxx
Đầu trang
Giữa trang
Cuối trang