Nga bán Yakhont cho Syria - Israel giật mình


VNDF - Israel lo ngại tên lửa chống hạm P-800 Yakhont bán cho Syria sẽ lọt vào tay Hezbollah và phá vỡ cán cân sức mạnh trong khu vực.

Trong cuộc điện đàm diễn ra ngày 20.8.2010, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã khẩn cầu Thủ tướng Nga Vladimir Putin dừng thực hiện hợp đồng bán tên lửa hành trình chống hạm siêu âm P-800 Yakhont vì lo ngại chúng sẽ lọt vào tay Hezbollah, tờ Haaretz đưa tin. Ông Netanyahu đã đề cập việc bán vũ khí cho Syria và thông tin về việc đàm phán với Palestine.


Theo các chuyên gia Israel, tên lửa Yakhont có thể được các chiến binh Hồi giáo sử dụng chống các tàu Israel đang tuần tra ở Địa Trung Hải, đồng thời đe dọa nghiêm trọng các tàu hải quân Israel đóng tại Haifa và Ashdod.

Tàu corvette INS Hanit lớp Sa'ar 5 trúng 1 tên lửa C-802 ngoài khơi Li-băng năm 2006

Ông Netanyahu lưu ý là các tên lửa chống tăng của Nga bán trước đó cho Syria đã nhiều lần lọt vào tay Hezbollah và được sử dụng chống lại quân đội Israel trong chiến dịch quân sự ở Li-băng năm 2006.

Trong cuộc nói chuyện với Putin, ông Netanyahu nhắc đến sự cố Hezbollah vào năm 2006 sử dụng tên lửa chống hạm C-802 do Syria mua từ Trung Quốc tấn công tàu corvette Hanit của Israel và bày tỏ lo ngại các tên lửa Yakhont cũng có thể bị chuyển giao cho các chiến binh Hezbollah.

Cần lưu ý là Israel cũng nêu những quan ngại tương tự vào năm 2007 khi Nga cân nhắc việc bán Yakhont cho Iran.

Lãnh đạo Syria bác bỏ những khẳng định của Israel và nói rằng, Israel mưu toan bôi xấu Syria nhằm phá vỡ quá trình khôi phục hợp tác của Damascus với Mỹ và các nước phương Tây khác, cũng như làm giảm ảnh hưởng của Syria trong khu vực.

Vấn đề bán vũ khí cho Syria và các nước khác sẽ là một trong những chủ đề then chốt trong chuyến thăm dự định ngày 5.9.2010 đến Moskva của Bộ trưởng Quốc phòng Israel Ehud Barak khi ông này diện kiến Bộ trưởng Quốc phòng Nga Anatoly Serdyukov.


Một quan chức giấu tên của Bộ Quốc phòng Israel cho hay, gần đây Israel và Nga đã có nhiều cuộc đàm phán về vấn đề bán vũ khí Nga cho các nước trong khu vực, song không có kết quả nên việc thảo luận vấn đề đã được thống nhất chuyển lên cấp cao hơn.

Một quan chức cao cấp trong chính phủ Israel khẳng định với tờ Kommersant (Nga) rằng, phía Israel “đã gần 1 năm nay cố thuyết phục Moskva từ bỏ thương vụ Yakhont với Syria”. Lập luận chủ yếu của chính phủ Israel là các tên lửa siêu hiện đại này không phải là vũ khí phòng thủ và bản thân sự hiện diện của chúng ở Syria (chưa nói đến chuyện chúng có thể được chuyển giao cho Hezbollah) sẽ đe dọa an ninh của Israel. Theo nguồn tin này, “điều đó có thể phá vỡ nghiêm trọng cán cân sức mạnh tại khu vực Cận Đông” khi làm cho Hải quân Israel trở nên dễ bị tổn thương.

Chuyến thăm của ông Ehud Barak đã được chuẩn bị hơn 1 năm và cực kỳ quan trọng đối với Tel Aviv bởi theo các nhà phân tích Israel, hiện nay Bộ Quốc phòng Nga có “lập trường thân Arab”.

Chủ đề Yakhont được báo chí Israel thảo luận từ mùa hè năm 2007 khi có tin Nga đã bán các tên lửa này cho Iran và nước này có thể đã chuyển giao vũ khí này cho Syria. Tháng 10.2009, báo chí Israel lại một phen bàn tán ồn ào về việc Nga đồng ý bán cho Syria tên lửa chống hạm P-800 (Onyx) Yakhont trong thành phần hệ thống tên lửa bờ biển Bastion có tầm bắn đến 300 km sau một bài báo được đăng trên tờ Maariv.

Theo báo Maariv, Nga đồng ý bán cho Syria một lô tên lửa Yakhont trong khuôn khổ hiệp định mở rộng cơ sở trú đóng của Hải quân Nga tại cảng Tartus, Syria. Hiện chưa rõ trị giá hợp đồng, song Bastion là vũ khí hiện đại, tinh vi và đắt tiền vì thế sẽ là hàng trăm triệu đô la Mỹ. Báo chí từng đưa tin Nga đã bán các hệ thống này cho Việt Nam với giá 300 triệu USD.

Các chuyên gia Israel cho rằng, tên lửa chống hạm Yakhont không thuộc loại vũ khí phòng thủ. Tên lửa mang phần chiến đấu 200-300 kg và có khả năng tiêu diệt mục tiêu với độ chính xác cao ở cự ly đến 300 km trong điều kiện có sự đối kháng mạnh bằng vô tuyến điện tử và hỏa lực của đối phương.

Yakhont có đặc điểm độc đáo là khả năng bay hành trình độ cao mấy mét trên mặt biển với tốc độ 2,5М nên cực kỳ khó bị phát hiện và đánh chặn.

Các tên lửa chống hạm C-802 do Trung Quốc sản xuất hiện có trong trang bị của quân đội Syria chỉ có tầm bắn gần 120 km, có độ chính xác thấp và phần chiến đấu nhẹ hơn nhiều.

Theo VietNamDefence
Nhận bài viết mới qua E-mail:
*Vui lòng click vào Link được gửi vào hộp thư của bạn để xác nhận*

Đăng Nhận xét của bạn!

Bạn có thể để lại nhận xét của mình và tuân thủ theo các nguyên tắc sau:
» Nội dung nhận xét phải nghiêm túc, không dung tục và không Spam.
» Bạn có thể sử dụng các tài khoản: Google, WordPress, AIM, Liveournal ... để viết nhận xét.
» Nếu không có tài khoản, bạn vẫn có thể viết nhận xét bằng cách chọn hồ sơ là Tên/URL hay Ẩn danh.
Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

 
Đối tác | Phong thuy | Tài Chính - Kế Toán | Truyện Tranh Online | Code1k.com | Movang.info | Quần Áo Rẻ Đẹp | 123 Mua Nhanh | SucManhSEO™ | Dịch Thuật Việt |

Hot Defence | ©2008 - 2010 All Rights Reserved by Khanh Nguyen | Website được xây dựng trên nền Blogspot | Xem tốt nhất trên trình duyệt FireFox.

Xin liên hệ Khanh Nguyen qua số ĐT: 016.93.94.95.96
Lượt khách : xxxxx Lượt truy cập : xxxxx
Đầu trang
Giữa trang
Cuối trang