"Khai hỏa" cuộc chiến vũ trụ giữa 2 cường quốc?


CAND - Dư luận thế giới, đặc biệt là giới chuyên môn đang rất quan tâm tới thông tin vừa đăng trên tạp chí Chính sách đối ngoại (Foreign Policy) của Mỹ số ra mới nhất. Điều đáng nói là Trung Quốc dùng tên lửa bắn hạ một vệ tinh bị hỏng của mình từ ngày 11/1/2010, nhưng tạp chí Chính sách đối ngoại số ra tháng 7/2010 mới đưa tin.

Lời cảnh tỉnh?

Mặc dù Bộ Quốc phòng Trung Quốc chưa có bình luận về những thông tin vừa đăng trên tạp chí Chính sách đối ngoại, nhưng giới bình luận và chuyên môn đã đưa ra những nhận xét, đánh giá của họ.

Trên trang web Phoenix TV, người ta cho rằng, nếu vụ thử tên lửa được xác nhận thì đây có khả năng liên quan tới cuộc thử nghiệm tên lửa đánh chặn - diễn ra tại thời điểm cuộc tranh cãi giữa Bắc Kinh và Washington lên tới đỉnh điểm xung quanh thỏa thuận bán vũ khí với trị giá lớn (hàng tỉ USD) mà Mỹ đồng ý với Đài Loan.

Ngày 11/1/2007, lần đầu tiên Trung Quốc phóng thành công tên lửa chống vệ tinh. Sự kiện này đã đưa Trung Quốc trở thành quốc gia thứ 3 sau Mỹ và Nga bắn hạ một vật ngoài không gian.

Ngày 3/2/2007, Bộ Ngoại giao Mỹ đã triệu Đại sứ Trung Quốc tại Washington D.C lên để phản đối, đồng thời yêu cầu Trung Quốc giải thích vụ bắn hạ vệ tinh hôm 11/1/2007.

Giới quân sự cho rằng, Trung Quốc và Mỹ đang ngấm ngầm chạy đua trong việc bố trí các hệ thống tên lửa nhằm kìm hãm và răn đe lẫn nhau.

Theo tính toán của tạp chí Chính sách đối ngoại, đây là lần thứ hai trong vòng 3 năm qua, Trung Quốc tiến hành bắn hạ một trong những vệ tinh bị hỏng và việc này diễn ra cùng thời điểm Bắc Kinh thử nghiệm thành công một hệ thống lá chắn tên lửa. Đây được coi là động thái nhằm chứng tỏ sức mạnh cũng như khả năng phòng thủ của hệ thống lá chắn tên lửa mà Trung Quốc vừa thiết lập.

Giới chuyên môn cho rằng, mục tiêu của việc thử nghiệm hệ thống lá chắn tên lửa hồi tháng 1/2007 chính là nhằm vào hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot của Mỹ. Nhưng Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định, vụ thử nghiệm kể trên chỉ nhằm mục đích phòng thủ, không nhắm vào bất kỳ quốc gia nào.

Nhiều người cho rằng, một cuộc chạy đua vũ trang mới trong vũ trụ đã diễn ra sau khi Trung Quốc và Mỹ thành công trong việc sử dụng tên lửa bắn hạ vệ tinh.

Cách đây hơn 2 năm (20/2/2008), Mỹ đã dùng tên lửa đánh chặn SM-3 phóng từ chiến hạm ở Thái Bình Dương để tiêu diệt một vệ tinh do thám mang bí số USA-193/NROL21 "hết hạn sử dụng". Để đánh lạc hướng dư luận, khi đó Mỹ cho biết, vụ đánh chặn nhằm tránh nguy cơ gây ô nhiễm môi trường sinh quyển.

Sơ đồ hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ.

Theo bản tin của Bộ Quốc phòng Mỹ, vào khoảng 22h 26’ ngày 20/2/2008, tàu chiến USS Lake Erie của lực lượng Hải quân AEGIS Mỹ, đã phóng tên lửa SM-3 không mang đầu đạn hạt nhân, bắn trúng vệ tinh nằm trên quỹ đạo cách Thái Bình Dương khoảng 247 km.

Nhưng Bộ Quốc phòng Nga lại cho rằng, việc dùng tên lửa phá hủy vệ tinh chỉ là vỏ bọc cho việc thử nghiệm vũ khí không gian mới mà Mỹ đang tiến hành.

Những thông tin mà tạp chí Chính sách đối ngoại đưa ra đúng thời điểm Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov tuyên bố (14/7), theo đó hiện Mỹ đang sở hữu 38 thiết bị đánh chặn tên lửa. Với số vũ khí kể trên, Mỹ đủ sức đánh chặn bất cứ cuộc tấn công nào từ châu Á.

Được biết, trong khi Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa PAC-3 tại Hàn Quốc và Nhật Bản thì Trung Quốc triển khai hệ thống tên lửa hành trình Trường Kiếm 10 tại Đông Bắc nước này.

Giới chuyên môn cho biết, không quân Mỹ đang phát triển một loại tên lửa siêu thanh tầm xa mới. Được biết, tên lửa siêu thanh có thể đạt tốc độ lớn hơn tốc độ âm thanh tới 5 lần.

Ngoài giới chuyên môn, các nhà lãnh đạo Mỹ cũng rất quan tâm tới vấn đề này kể từ sau vụ phóng thử tên lửa siêu thanh thế hệ mới X-51 WaveRider ở Thái Bình Dương hôm 26/5 vừa qua: bay xa gần 1.200km nhưng chỉ mất 10 phút.

Tên lửa X-51 WaveRider được phóng từ máy bay ném bom B-52 với tốc độ gấp gần 6 lần tốc độ âm thanh. Để phóng thành công tên lửa siêu thanh thế hệ mới X-51 WaveRider, Mỹ đã phải chi 250 triệu USD cùng 6 năm nghiên cứu.

Ông Charlie Brink, người đứng đầu nhóm nghiên cứu tại căn cứ không quân Wright-Patterson ở bang Ohio, Mỹ cho biết, đây là bước tiến có thể sánh với bước nhảy vọt từ máy bay cánh quạt sang máy bay phản lực sau Đại chiến thế giới lần thứ II.

Trung tướng William J. Thornton, quan chức cấp cao của không quân Mỹ nhấn mạnh, vụ thử nghiệm kể trên đã tạo điều kiện cho việc ra đời những loại vũ khí siêu thanh có khả năng thực hiện các cuộc tấn công chớp nhoáng trên khắp toàn cầu.

Ngày 30/6, quân đội Mỹ cũng đã bắn hạ thành công một tên lửa đạn đạo tầm ngắn ở ngoài khơi Hawaii. Đây là vụ bắn thử mới nhất của hệ thống phòng thủ phi đạn THAAD (Terminal High Altitude Area Defense). Hệ thống THAAD đánh chặn cho phép bảo vệ một vùng rộng lớn hơn so với tên lửa Patriots.

Tuy nhiên, THAAD chỉ có thể bắn được tên lửa tầm ngắn hoặc tầm trung, còn các tên lửa liên lục địa nằm ngoài tầm với của nó. Đây là điểm yếu khó khắc phục đối với THAAD.

Cuộc đua được định sẵn

Ngày 15/6 vừa qua, Trung Quốc đã phóng thành công vệ tinh "Thực tiễn 12" bằng tên lửa đẩy Trường Chinh II. "Thực tiễn 12" là vệ tinh được sử dụng chủ yếu vào việc quan trắc không gian, môi trường, khoảng cách giữa các hành tinh và thông tin liên lạc. Thành công này chứng tỏ công nghệ vũ trụ của Trung Quốc ngày càng phát triển mạnh.

Trước đó (2/6), Trung Quốc phóng thành công vệ tinh Bắc Đẩu thứ 4 lên quỹ đạo. Đây là sự kiện quan trọng đánh dấu việc Trung Quốc đã thiết lập được một hệ thống định vị toàn cầu của riêng mình cho dù chương trình định vị vệ tinh của Bắc Kinh kéo dài đến năm 2020. Vệ tinh Bắc Đẩu được phóng hôm 16/1.

Hệ thống này sẽ cạnh tranh với hệ thống định vị toàn cầu GPS của Mỹ, Galileo của Liên minh châu Âu và GLONASS của Nga. Mỹ đang là nước sở hữu hệ thống định vị dẫn đường GPS và Trung Quốc không muốn bị lệ thuộc vào vấn đề này.

Giới chuyên môn khẳng định, ngoài lợi ích thương mại (bán bản quyền, cho thuê đường truyền vệ tinh, gia tăng độ chính xác trong các dự báo về khí hậu, khí tượng...),Trung Quốc còn chính thức cạnh tranh và phá thế độc quyền của Mỹ trong lĩnh vực này.

Hơn nữa, sẽ xóa đi những trở ngại về địa hình, giúp kinh tế biển của Trung Quốc hoạt động nhộn nhịp và an toàn hơn. Trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng, vệ tinh Bắc Đẩu có khả năng kết nối với hệ thống giám sát các vụ thử hạt nhân của quân đội Trung Quốc, cũng như theo dõi các vụ thử hạt nhân trên thế giới.

Đầu năm 2010 (12/1), công trình thám hiểm mặt trăng của Trung Quốc mang tên Hằng Nga 2 đã được chính phủ nước này trao tặng giải thưởng đặc biệt về tiến bộ khoa học kỹ thuật cấp Nhà nước. Dự kiến, Hằng Nga 2 sẽ được phóng lên quỹ đạo vào cuối năm nay. Vệ tinh Hằng Nga 2 đã thực hiện 6 bước đột phá lớn về công nghệ, hiện đang trong quá trình lắp ráp đồng bộ và kiểm tra chất lượng.

Được biết, Hằng Nga 2 sẽ hoạt động trên quỹ đạo cách mặt trăng 100km thay vì 200km như Hằng Nga 1. Sứ mệnh của Hằng Nga 2 là tiến hành các thí nghiệm khoa học về sự phân bố của các nguyên tố trên bề mặt mặt trăng, độ dày của lớp đất trên mặt trăng, môi trường không gian giữa trái đất và mặt trăng, đồng thời mở đường để vệ tinh Hằng Nga 3 thực hiện hạ cánh mềm trên mặt trăng.

Dự kiến, Trung Quốc sẽ phóng vệ tinh vẽ bản đồ không gian ba chiều dân dụng đầu tiên do nước này tự nghiên cứu chế tạo. Vệ tinh này có tên gọi "Tài nguyên 3", được các nhà khoa học Trung Quốc nghiên cứu chế tạo từ tháng 3/2008.

Trong năm 2009, Trung Quốc đã phóng 3 vệ tinh khoa học - Giao cảm 6, Giao cảm 7 và Giao cảm 8 bằng tên lửa đẩy Trường Chinh 4C. Giao cảm 2, Giao cảm 3, Giao cảm 4 và Giao cảm 5 được phóng trong năm 2008. Đây là loại vệ tinh chuyên phục vụ công tác nghiên cứu khoa học, điều tra địa chất, thăm dò tài nguyên, đánh giá sản lượng mùa màng, dự báo thiên tai, bảo vệ và giám sát môi trường... Tháng 4/2007, Trung Quốc đã phóng thành công vệ tinh Bắc Đẩu đầu tiên.

Cũng trong năm 2009 (15/4), Trung Quốc đã phóng thành công vệ tinh địa tĩnh Compass thứ hai lên quỹ đạo. Việc phóng thành công vệ tinh địa tĩnh này rất quan trọng vì đây là vệ tinh thứ hai trong hệ thống vệ tinh của Trung Quốc không làm theo công nghệ của nước ngoài. Compass chuyên cung cấp các dịch vụ thông tin định vị cho giao thông vận tải, khí tượng thủy văn, thăm dò dầu khí, theo dõi cháy rừng, dự báo thiên tai, viễn thông, an ninh công cộng...

Trung Quốc phóng vệ tinh.

Ngày 14/9/2009, Trung Quốc đã khởi công xây dựng Trung tâm phóng vệ tinh vũ trụ tại thành phố Văn Xương, tỉnh Hải Nam. Đây là trung tâm phóng vệ tinh vũ trụ thứ tư và là trung tâm được đặt tại vĩ độ thấp nhất ở Trung Quốc (190Bắc). Sau khi hoàn tất (năm 2013), trung tâm này chủ yếu phóng các vệ tinh địa tĩnh, vệ tinh siêu trọng, các trạm vũ trụ quy mô lớn và các vệ tinh thám hiểm vũ trụ. Trước đó (3/3/2009), Trung Quốc chính thức khởi công xây dựng cơ sở sản xuất vệ tinh cỡ nhỏ tại Đặc khu kinh tế Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông.

Trung Quốc cũng từng đưa ra cảnh báo sau vụ va chạm vệ tinh Nga - Mỹ hồi tháng 2/2009. Theo đó, những mảnh vụn từ vụ va chạm có thể đe dọa tới hệ thống vệ tinh năng lượng mặt trời của Trung Quốc. Ngày 10/2/2009, vệ tinh của Công ty tư nhân Iridium Satellite LLC (Mỹ) đã va vào vệ tinh viễn thông không còn sử dụng của Nga trên quỹ đạo cách trái đất hơn 780km. Theo tướng Michael Carey, Phó giám đốc Cơ quan theo dõi không gian thuộc không quân Mỹ cho biết, hệ thống radar theo dõi đã phát hiện được khoảng 600 mảnh vỡ từ vụ va chạm kể trên.

Tuy sở hữu hệ thống định vị dẫn đường GPS, nhưng Mỹ đã và đang phải đối phó với những "vệ tinh điên" trên vũ trụ. Sau khi bị mất điều khiển (5/4/2010), vệ tinh thông tin truyền hình Galaxy-15 đã trôi tự do lệch quỹ đạo trên vũ trụ ở độ cao cách mặt đất 36.000km. Việc này đe dọa sự tồn tại và an toàn sóng thông tin của nhiều vệ tinh khác ở cùng độ cao như AMC-11, vệ tinh phục vụ các công ty truyền hình cáp và truyền số liệu của Mỹ. Vệ tinh Galaxy-15 trị giá 250 triệu USD và được phóng từ năm 2005. Ngoài ra, Mỹ còn phải đối phó với những vệ tinh "không mời mà tới" của một số quốc gia như Nga, Trung Quốc

Quỳnh Trang - Tuấn Cường (tổng hợp)
Nhận bài viết mới qua E-mail:
*Vui lòng click vào Link được gửi vào hộp thư của bạn để xác nhận*

Đã có
2
nhận xét:

dich vu seo on 19:47 1/8/10 nói...

Sợ quá nước mình k làm gì cũng lãnh đạn :(

tham tu on 19:47 1/8/10 nói...

Sợ gì Việt Nam là vô đối

Bạn có thể để lại nhận xét của mình và tuân thủ theo các nguyên tắc sau:
» Nội dung nhận xét phải nghiêm túc, không dung tục và không Spam.
» Bạn có thể sử dụng các tài khoản: Google, WordPress, AIM, Liveournal ... để viết nhận xét.
» Nếu không có tài khoản, bạn vẫn có thể viết nhận xét bằng cách chọn hồ sơ là Tên/URL hay Ẩn danh.
Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

 
Đối tác | Phong thuy | Tài Chính - Kế Toán | Truyện Tranh Online | Code1k.com | Movang.info | Quần Áo Rẻ Đẹp | 123 Mua Nhanh | SucManhSEO™ | Dịch Thuật Việt |

Hot Defence | ©2008 - 2010 All Rights Reserved by Khanh Nguyen | Website được xây dựng trên nền Blogspot | Xem tốt nhất trên trình duyệt FireFox.

Xin liên hệ Khanh Nguyen qua số ĐT: 016.93.94.95.96
Lượt khách : xxxxx Lượt truy cập : xxxxx
Đầu trang
Giữa trang
Cuối trang