Tên lửa đất đối đất công nghệ cao


QDND - Tên lửa đất đối đất là một trong những loại vũ khí hiện đại, có tính răn đe lớn bởi uy lực chiến đấu cao và tầm bắn xa. Mặc dù đã có những công ước hạn chế nghiên cứu phát triển các loại tên lửa chiến lược tầm xa, có thể mang đầu đạn hạt nhân, nhưng ngoài các cường quốc Nga, Mỹ, Pháp, Anh, Trung Quốc, còn có nhiều nước đầu tư nghiên cứu phát triển các hệ thống tên lửa tầm xa, phóng từ các phương tiện mang khác nhau, trong đó có tên lửa đất đối đất. Việc các nước ưu tiên phát triển và ứng dụng công nghệ cao, hiện đại, khiến tên lửa đất đối đất ngày càng nâng cao uy lực chiến đấu, tầm bắn xa, chính xác hơn, tạo nên những thế hệ tên lửa mới, hoàn thiện.

Tên lửa Topol-M của Nga

Những năm gần đây, LB Nga ưu tiên đầu tư và không ngừng cải tiến, nâng cấp các hệ thống tên lửa đất đối đất chiến lược. Nga đã nâng cấp, phát triển thành công, đưa vào trang bị hệ thống tên lửa đất đối đất chiến lược Topol-M dựa trên cơ sở công nghệ chế tạo tên lửa Topol trước đây. Tuy nhiên, hệ thống tên lửa Topol-M được phát triển dựa trên những thành tựu mới nhất của khoa học và ngành chế tạo tên lửa Nga. Lần đầu tiên, Nga đã chế tạo được một tên lửa chuẩn hóa hoàn toàn để triển khai trong hầm phóng và cơ động trên mặt đất. Nga đã sử dụng các hệ thống thiết bị kiểm thử mới trong quá trình thử nghiệm, nên giảm được rất nhiều khối lượng công việc và giảm chi phí nghiên cứu, chế tạo, nhưng không làm giảm độ tin cậy hoạt động của hệ thống tên lửa. Hệ thống tên lửa Topol-M có nhiều tính năng độc đáo và vượt trội hơn khoảng 1,5 lần so với hệ thống thế hệ trước về khả năng chiến đấu, sức cơ động, hiệu quả tiêu diệt các loại mục tiêu, kể cả trong điều kiện bị đối phương kháng cự. Tên lửa Topol-M được thiết kế mới nhằm nâng cao khả năng đẩy, cho phép tăng tải trọng hữu ích, giảm đáng kể độ cao giai đoạn bay tích cực và vượt qua một cách hiệu quả hệ thống phòng thủ tên lửa tiên tiến của đối phương.

Hiện nay, hệ thống tên lửa Topol-M sử dụng tên lửa mang đầu đạn chuẩn hóa RS-12M2 đường kính thân lớn nhất 1860mm, chiều dài toàn bộ 22,7m, tầm bắn tối đa 11.000km. Tên lửa thiết kế 3 tầng, lắp động cơ mạnh sử dụng nhiên liệu rắn hỗn hợp và thân làm bằng chất dẻo thủy tinh. Tên lửa không có các cánh ổn định và cánh lái dạng lưới. Khác với các tên lửa chiến lược xuyên lục địa khác, đầu đạn đơn khối của tên lửa RS-12M2 có thể thay thế nhanh chóng bằng đầu đạn kiểu tách có dẫn đường độc lập (MIRV). Ba động cơ hành trình nhiên liệu rắn bảo đảm cho tên lửa tăng tốc nhanh, nên khắc phục những sơ hở của tên lửa trong giai đoạn khởi tốc. Các động cơ phụ trợ và các hệ thống điều khiển hiện đại bảo đảm tên lửa có khả năng cơ động cao trong khi bay.

Gần đây Nga đã phát triển, thử nghiệm thành công tên lửa đất đối đất RS-24 mang nhiều đầu đạn kiểu MIRV do Viện Công nghệ Nhiệt Mát-xcơ-va phát triển, tầm bắn gần 12.000km. Tên lửa RS-24 mang được từ 6 đến 10 đầu đạn được dẫn độc lập, có đương lượng nổ từ 150 đến 300 ki-lô-tôn và được phóng từ các hầm phóng hoặc các bệ phóng cơ động, lắp trên xe hoặc các phương tiện mang khác. Tên lửa RS-24 dùng để tiêu diệt các mục tiêu quan trọng về chính trị, quân sự và kinh tế nằm sâu trong lãnh thổ đối phương. Tên lửa RS-24 sử dụng kết hợp những ưu việt công nghệ chế tạo tên lửa Topol-M và Bulava, có khả năng chống lại được hầu hết các loại tên lửa đánh chặn, vũ khí chống tên lửa đối phương. Qua thống kê và thử nghiệm, xác suất vượt qua hệ thống phòng thủ tên lửa của đối phương của tên lửa tầm xa Nga là 80%, trong khi đó của Mỹ là từ 60% đến 65%.

Gần đây, các nước Ấn Độ, Pa-ki-xtan, I-ran, Triều Tiên đang nỗ lực nghiên cứu và có bước phát triển vượt bậc về kỹ thuật và công nghệ chế tạo tên lửa đất đối đất tầm trung và tầm xa. I-ran đã phát triển thành công tên lửa đất đối đất tầm xa Sajjil-2 sử dụng nhiên liệu rắn, kết cấu hai tầng, có thể mang đầu đạn hạt nhân, tầm bắn từ 1.300km tới hơn 1.900km. Tên lửa Sajjil-2 lắp hệ thống dẫn đường tiên tiến và tiêu diệt mục tiêu chính xác hơn so với tên lửa đất đối đất Shahab. Triều Tiên bên cạnh việc cải tiến các loại tên lửa đất đối đất Scud nâng tầm bắn lên tới 700km, gần đây đã cải tiến, phát triển các thế hệ tên lửa đất đối đất tầm xa Taepodong phóng tới mục tiêu ở cự ly từ 2.000 đến 2.500km. Thế hệ tên lửa Taepodong mới nhất của Triều Tiên có khả năng phóng xa tới 5.000km. Đặc biệt, Triều Tiên đang nghiên cứu phát triển tên lửa đất đối đất sử dụng nhiên liệu rắn và có điều khiển chính xác hơn, có thể phóng trên các bệ phóng cơ động.

Giang Hồng Cương
Nhận bài viết mới qua E-mail:
*Vui lòng click vào Link được gửi vào hộp thư của bạn để xác nhận*

Đăng Nhận xét của bạn!

Bạn có thể để lại nhận xét của mình và tuân thủ theo các nguyên tắc sau:
» Nội dung nhận xét phải nghiêm túc, không dung tục và không Spam.
» Bạn có thể sử dụng các tài khoản: Google, WordPress, AIM, Liveournal ... để viết nhận xét.
» Nếu không có tài khoản, bạn vẫn có thể viết nhận xét bằng cách chọn hồ sơ là Tên/URL hay Ẩn danh.
Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

 
Đối tác | Phong thuy | Tài Chính - Kế Toán | Truyện Tranh Online | Code1k.com | Movang.info | Quần Áo Rẻ Đẹp | 123 Mua Nhanh | SucManhSEO™ | Dịch Thuật Việt |

Hot Defence | ©2008 - 2010 All Rights Reserved by Khanh Nguyen | Website được xây dựng trên nền Blogspot | Xem tốt nhất trên trình duyệt FireFox.

Xin liên hệ Khanh Nguyen qua số ĐT: 016.93.94.95.96
Lượt khách : xxxxx Lượt truy cập : xxxxx
Đầu trang
Giữa trang
Cuối trang