Trung Quốc 5 lần suýt bị tấn công hạt nhân


BEE - Sau hàng chục năm nằm trong vòng bí mật, mới đây chuyên đề Lịch sử tham khảo của tờ Nhân dân nhật báo Trung Quốc đã tiết lộ về 5 lần Trung Quốc bị đe dọa tấn công hạt nhân kể từ năm 1949 đến nay. Đây là lần tiết lộ hiếm hoi của một cơ quan truyền thông chính thống về những thời khắc nguy hiểm nhất mà Trung Quốc từng phải đối mặt.

Thời khắc nguy hiểm nhất

Trong 5 lần Trung Quốc bị bóng ma chiến tranh hạt nhân đe dọa, có tới 4 lần từ Mỹ và 1 lần từ Liên Xô. Lần nghiêm trọng nhất vào năm 1969, sau những đụng độ quân sự tháng 3 năm đó tại đảo Trần Bảo trên sông Ussuri, Hắc Long Giang - biên giới Đông Bắc Trung Quốc.

Ngày 2/3, quân Trung Quốc phục kích lính biên phòng Liên Xô. Liên Xô trả đũa ngày 15/3 bằng việc oanh tạc những điểm tập trung quân sự của Trung Quốc và tấn công đảo Trần Bảo. Theo số liệu của Trung Quốc, 58 lính Liên Xô thiệt mạng và 97 người bị thương. Vụ xung đột này đã châm ngòi cho phản ứng giận dữ công khai từ cả hai bên.

Ở Trung Quốc, khoảng 150 triệu binh lính và dân thường tham gia các cuộc biểu tình chống Liên Xô, truyền thông chính thống viết “đã đến lúc đánh bại Sa hoàng mới” và chuẩn bị tâm lý cho dư luận về một cuộc chiến tranh, bao gồm cả vũ khí hạt nhân. Nhân vật số hai Trung Quốc, Lâm Bưu đã hạ lệnh điều 940.000 binh lính, 4.000 máy bay và 600 tàu rời khỏi các căn cứ, đồng thời vận chuyển nhiều trang thiết bị quan trọng từ Bắc Kinh đến Tây Bắc, các tuyến đường đến những sân bay chính bị phong tỏa.

Binh sĩ Liên Xô trên đảo Trần Bảo năm 1969

Liên Xô cũng tổ chức những cuộc biểu tình lớn chống Trung Quốc ở Moscow, đồng thời điều hàng nghìn quân đến vùng Viễn Đông và chuẩn bị tên lửa trang bị đầu đạn hạt nhân. Moscow thông báo với các đồng minh Đông Âu rằng Liên Xô dự định thực hiện một cuộc tấn công hạt nhân “để quét sạch mối đe dọa Trung Quốc và loại bỏ kẻ gian hùng hiện đại này”.

Ngày 20/8/1969, đại sứ Liên Xô thông báo với Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger về các kế hoạch của họ và yêu cầu Mỹ giữ vai trò trung lập. Mong muốn chặn cuộc tấn công này, Nhà Trắng để lộ câu chuyện cho tờ “Washington Post”.

Số ra ngày 28/8 của tờ này đưa tin Liên Xô dự định phóng các tên lửa mang hàng trăm tấn nguyên liệu hạt nhân nhằm vào Bắc Kinh, Trường Xuân, Yên Sơn và các trung tâm phóng tên lửa của Trung Quốc như Tây Xương, Lop Nor. Cuối tháng 9 và tháng 10 năm đó, cơn sốt chiến tranh ở Trung Quốc lên đến đỉnh điểm. Lâm Bưu hạ lệnh cho quân đội rời khỏi các căn cứ còn người dân ở các thành phố lớn đào hầm trú ẩn, tích trữ lương thực.

Trong bước đi cuối trước cuộc tấn công, Moscow hỏi ý kiến của Washington. Tổng thống Mỹ Richard Nixon coi Liên Xô là mối đe dọa chính của ông ta và muốn một Trung Quốc mạnh hơn để chống lại Liên Xô.

Ngày 15/10/1969, Kissinger nói với đại sứ Liên Xô rằng Mỹ sẽ tấn công hạt nhân 130 thành phố Liên Xô nếu Liên Xô tấn công Trung Quốc. Dù đó là cảnh báo thực sự hay chỉ dọa suông, nó vẫn hiệu quả. Đại sứ Liên Xô tuyên bố: “Người Mỹ phản lại chúng ta”. Họ hủy bỏ tấn công và đàm phán với Trung Quốc. Cuộc khủng hoảng chấm dứt.

Ngoại trưởng Henry Kissinger: "Mỹ sẽ tấn công Liên Xô nếu Liên Xô tấn công Trung Quốc"

Mỹ và kế hoạch bất thành

Việc Mỹ phản đối Liên Xô là để “báo thù” lại những gì xảy ra 5 năm trước, khi Liên Xô từ chối tham gia một cuộc tấn công mà Washington muốn phát động nhằm vào chương trình hạt nhân mới bắt đầu của Trung Quốc.

Tháng 1/1955, Mao Trạch Đông quyết định phát triển quả bom hạt nhân đầu tiên. Bắc Kinh chọn Lop Nur ở vùng sa mạc phía Đông Nam Tân Cương là trung tâm cho chương trình hạt nhân của mình. Các máy bay do thám U-2 từ Đài Loan chụp được các hình ảnh về Lop Nur và những cơ sở hạt nhân khác.

Tháng 1/1961, Chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ nói rằng Trung Quốc sẽ kích nổ thiết bị hạt nhân đầu tiên của mình vào cuối năm 1962 và sau đó đến 1965 là có thể thử bom hạt nhân.

Tháng 10/1961, Tổng thống Mỹ John Kennedy nhận xét nếu trang bị thêm vũ khí hạt nhân, Trung Quốc sẽ “nuốt chửng” Đông Nam Á. Mỹ muốn tấn công các cơ sở hạt nhân Trung Quốc trước khi họ phát triển được bom hạt nhân và xem việc quan hệ Xô-Trung chia rẽ trong năm 1961 là cơ hội hoàn hảo cho một chiến dịch chung.

Ngày 14/7/1963, một phái viên Mỹ tại Moscow đưa ra giới thiệu chi tiết về chương trình hạt nhân của Trung Quốc đồng thời đề xuất một chiến dịch chung Mỹ-Liên Xô nhằm ngăn chặn tham vọng trên. Nhưng Tổng Bí thư đảng Cộng sản Liên Xô Nikita Khruschev đã từ chối.

Một vụ thử hạt nhân của Trung Quốc ở Lop Nur

Washington cũng xem xét những giải pháp khác như tấn công bằng lính Mỹ và Đài Loan, nhảy dù đổ bộ, ném bom thông thường hoặc bom hạt nhân. Tháng 8/1964, Washington dự đoán Trung Quốc sẽ kích nổ quả bom đầu tiên vào năm 1965. Nhưng chưa đầy 2 tháng sau, ngày 16/10/1964, Trung Quốc đã thử thành công quả bom hạt nhân đầu tiên của mình. Tổng thống Mỹ Lyndon Johnson gọi đó là “ngày bi kịch và đen tối nhất cho thế giới tự do”.

Ba mối đe dọa hạt nhân còn lại

Ba mối đe dọa hạt nhân trước đó đối với Trung Quốc đều đến từ Mỹ. Lần đầu tiên là trong Chiến tranh Triều Tiên. Trước khi Trung Quốc can thiệp vào cuộc chiến, tháng 10/1950, Mỹ và quân đội Nam Triều Tiên đang di chuyển thoải mái hướng về biên giới Trung Quốc và binh lính còn hy vọng về nhà kịp Giáng sinh. Nhưng sự can thiệp của Trung Quốc, với cái giá khủng khiếp về con người, đã đẩy lùi Mỹ.

Cuối tháng 11 năm đó, Quốc hội Mỹ đề xuất xem xét mở các cuộc tấn công hạt nhân nhằm vào Bắc Triều Tiên, Đông Bắc Trung Quốc và các thành phố khác. Đề xuất đó được quân đội Mỹ ủng hộ. Ngày 30/11, Tổng thống Mỹ Harry Truman nói rằng ông đang xem xét giải pháp sử dụng hạt nhân. Kế hoạch này gây giận dữ ở nhiều thủ đô phương Tây. Anh và Pháp đi đầu trong việc phản đối kế hoạch trên. Trong khi đó, không quân Mỹ thực hiện một cuộc diễn tập giả định tấn công hạt nhân nhằm vào Bình Nhưỡng.

Binh sĩ Trung Quốc trong chiến tranh Triều Tiên

Tháng 3/1951, Truman điều 9 máy bay B-29 trang bị vũ khí hạt nhân đến đảo Guam. Đầu tháng 4, các máy bay trinh thám Mỹ bay qua Đông Bắc Trung Quốc và tỉnh Sơn Đông để lựa chọn những mục tiêu. Tuy nhiên, cuối cùng, Truman đổi ý cho rằng sử dụng vũ khí hạt nhân là quá nguy hiểm và cuối tháng 6 năm đó, những máy bay B-29 được gọi về.

Hai mối đe dọa hạt nhân còn lại là hậu quả từ những xung đột quân sự giữa Trung Quốc với Đài Loan. Chúng diễn ra sau khi Washington và Đài Bắc ký một hiệp ước phòng thủ chung vào tháng 12/1954. Trong tháng Giêng và tháng 2/1955, Quân Giải phóng nhân dân (PLA) chiếm 3 đảo ngoài khơi tỉnh Phúc Kiến. Với sự trợ giúp của hải quân Mỹ, quân đội Đài Loan sơ tán 25.000 lính và 15.000 dân trên các đảo này về Đài Loan và tập trung phòng thủ ở các đảo Quemoy và Matsu.

Ngày 6/3, Ngoại trưởng Mỹ John Foster Dulles nói rằng nếu PLA buộc Quemoy và Matsu phải sơ tán nữa, đó sẽ là một thảm họa cho phòng thủ của Đài Loan và các nơi khác ở châu Á. Dulles cho biết Mỹ sẽ xem xét sử dụng vũ khí hạt nhân để bảo vệ các đảo này. Đến cuối tháng 3, các máy bay B-36 ở Guam được trang bị vũ khí hạt nhân và sẵn sàng hành động. Nhưng, cũng như 4 năm trước, lời đe dọa đó vấp phải chỉ trích rộng rãi trên thế giới rằng việc bảo vệ hai hòn đảo nhỏ không đáng phải sử dụng vũ khí hạt nhân. Mỹ bỏ ý tưởng đó và tổ chức các cuộc đàm phán cấp đại sứ với Trung Quốc ở Geneva trong tháng 8 năm đó.

Quái vật ném bom B-36 của Mỹ

Mối đe dọa cuối cùng là vào năm 1958, sau các vụ không kích của PLA vào Quemoy ngày 23/8 năm đó. Ngày kế tiếp, các tàu PLA tấn công những tàu rời đảo hướng về Đài Loan và bao vây Quemoy. Từ các căn cứ ở Guam và Nhật Bản, không quân Mỹ hỗ trợ quân sự và dân sự cho Quemoy.

Quân đội Mỹ đề xuất sử dụng bom hạt nhân đánh Trung Quốc. Đã có 5 máy bay B-47 ở Guam được đặt trong tình trạng sẵn sàng chờ lệnh ném bom xuống sân bay Hạ Môn với khả năng công phá không khác gì những trái bom nhằm vào Hiroshima tháng 8/1945. Nhưng cũng như người tiền nhiệm Truman, Tổng thống Mỹ Dwight Eisenhower quyết định rằng rủi ro là quá cao. Mỹ sẽ chỉ giúp Đài Loan bảo vệ Quemoy và Matsu bằng những vũ khí thông thường, và Trung Quốc một lần nữa thoát khỏi nguy cơ bị tấn công hạt nhân.

Minh Tâm (Theo LSTK)
Nhận bài viết mới qua E-mail:
*Vui lòng click vào Link được gửi vào hộp thư của bạn để xác nhận*

Đã có
1
nhận xét:

Rin on 00:04 27/5/10 nói...
Nhận xét Rin đã bị xóa.

Bạn có thể để lại nhận xét của mình và tuân thủ theo các nguyên tắc sau:
» Nội dung nhận xét phải nghiêm túc, không dung tục và không Spam.
» Bạn có thể sử dụng các tài khoản: Google, WordPress, AIM, Liveournal ... để viết nhận xét.
» Nếu không có tài khoản, bạn vẫn có thể viết nhận xét bằng cách chọn hồ sơ là Tên/URL hay Ẩn danh.
Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

 
Đối tác | Phong thuy | Tài Chính - Kế Toán | Truyện Tranh Online | Code1k.com | Movang.info | Quần Áo Rẻ Đẹp | 123 Mua Nhanh | SucManhSEO™ | Dịch Thuật Việt |

Hot Defence | ©2008 - 2010 All Rights Reserved by Khanh Nguyen | Website được xây dựng trên nền Blogspot | Xem tốt nhất trên trình duyệt FireFox.

Xin liên hệ Khanh Nguyen qua số ĐT: 016.93.94.95.96
Lượt khách : xxxxx Lượt truy cập : xxxxx
Đầu trang
Giữa trang
Cuối trang