Khám phá kho vũ khí hạt nhân thế giới - P.I


DATVIET - Thông tin về lượng đầu đạn, hệ thống phóng, tầm bắn… của vũ khí hạt nhân ở một số nước phương Tây tương đối rõ ràng và mang tính khẳng định. Tuy nhiên, dữ liệu hạt nhân của các nước châu Á phần lớn là ước tính, phỏng đoán.

Dưới đây là những số liệu mới nhất mà Trung tâm Thông tin Quốc phòng (Mỹ) công bố:

Trung Quốc

Trung Quốc có vũ khí hạt nhân từ 1964 và tăng cường sức mạnh hạt nhân từ giữa những năm 1980 khi mà Mỹ, Liên Xô (nay kế tục là Nga) và Ấn Độ hiện đại hóa vũ khí hạt nhân.

Chương trình hiện đại hóa hạt nhân của nước này tập trung vào việc phát triển tên lửa đạn đạo. Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa có DF-31 (tầm trung) và DF-31A (tầm xa), gần đây được triển khai cùng với tên lửa hành trình có thể mang đầu đạn hạt nhân DH-10. DF-31A có tầm bắn trên 11.000 km và DF-31 hơn 7.000 km. Về tên lửa tầm xa, Trung Quốc có DF-5A được phát triển từ năm 1981. Hiện, chưa rõ nước này có ý định sử dụng cả hai loại tên lửa hoặc thay thế DF-5A bằng một loại mới hơn hay không. Song, DF-5A là tên lửa lớn nhất của Trung Quốc và là ứng cử viên nặng ký để mang theo đầu đạn hạt nhân.

Kho tên lửa tầm trung của Trung Quốc gồm 17 chiếc DF-4 và 17 chiếc DF-3A dùng nhiên liệu lỏng, nhưng chúng có thể được thay thế dần bằng DF-31. Năm 2007, Bắc Kinh đã dùng DF-21 để phá hủy một vệ tinh của mình, vì vậy một số tên lửa DF-21 có nhiệm vụ bắn hạ vệ tinh.

Tên lửa DF-31 duyệt binh qua quảng trường Thiên An Môn.

Hệ thống triển khai hạt nhân trên biển của Bắc Kinh từng có 1 tàu ngầm chở tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân lớp Xia (Hạ). Tuy nhiên, tàu ngầm này không còn hoạt động. Và loại tên lửa đạn đạo duy nhất được thiết kế phóng từ tàu ngầm, JL-1, cũng không hoạt động. Báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ về sức mạnh quân sự Trung Quốc năm 2008 không liệt kê JL-1 vào danh sách tên lửa của nước này.

Hiện, Trung Quốc dường như đang phát triển ít nhất hai và nhiều nhất là bốn tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo lớp Jin (Tấn) mới để chở tên lửa tầm trung JL-2. Tuy nhiên, việc thiếu kinh nghiệm vận hành tàu ngầm hạt nhân, không thành công trong chương trình tên lửa phóng từ tàu ngầm sẽ làm chậm quá trình triển khai nước này.

Tàu ngầm hạt nhân lớp Tấn - Type 094 mới nhất của Hải quân Trung Quốc.

Lực lượng ném bom hạt nhân của Trung Quốc gồm 20 chiếc oanh tạc cơ tầm trung Hong-6 (còn gọi là B-6) dựa trên Tu-16 của Nga và một số máy bay chiến đấu Qian-5. Do vấn đề kỹ thuật, rất ít máy bay trong số này được triển khai. Theo báo cáo sức mạnh quân sự Trung Quốc của Mỹ, Bắc Kinh đang nâng cấp đội bay Hong-6 để có thể chở DH-10, tên lửa hành trình mang đầu đạn hạt nhân. DH-10 có loại được thiết kế phóng từ mặt đất.

CHDCND Triều Tiên

CHDCND Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân đầu tiên vào tháng 9/2006. Lời đồn đại về chương trình làm giàu uranium bí mật của Triều Tiên chưa chấm dứt nhưng theo các báo cáo của Mỹ, đầu đạn hạt nhân của nước này gần như chắc chắn sử dụng plutonium sản xuất tại nhà máy Yongbyon.

Kể từ những năm 1970, Triều Tiên tiếp nhận các tên lửa Scud tầm ngắn và bệ phóng từ Ai Cập và thập kỷ sau đó, nước này tiến hành chương trình tên lửa nội địa.

Triều Tiên sở hữu nhiều loại tên lửa đạn đạo tầm gần và xa.

Triều Tiên cũng phát triển tên lửa đạn đạo tầm trung Nodong với tầm bắn 1.480 km, có thể vươn tới Nhật Bản. Những loại tên lửa này được bán rộng rãi trên thế giới. Nodong được biết đến dưới tên gọi Ghauri-I ở Pakistan và Shahab-3 ở Iran. Tuy nhiên, độ chính xác của tên lửa Triều Tiên rất thấp.

Triều Tiên cũng phát triển 2 loại tên lửa đạn đạo tầm xa: Taepodong-1 và Taepodong-2. Taepodong-1 được cho là biến thể của Nodong và sau đó, là biến thể của Scud, có tầm bắn khoảng 2.500 km. Tầm bắn của Taepodong-2 được ước tính ở mức 3.750 - 6.700 km, có thể nhằm vào hầu hết mục tiêu trên đất liền của Mỹ.

Ấn Độ

Năm 1974, Ấn Độ thử nghiệm một “thiết bị hạt nhân hòa bình” theo cách gọi của nước này. Gần 25 năm sau, Ấn Độ tiến hành 5 vụ thử hạt nhân vào tháng 5/1998. Nhiều nhà phân tích cho rằng, hai nhân tố chính khiến nước này theo đuổi chương trình hạt nhân là nhu cầu đạt cân bằng khu vực và tình hình căng thẳng với Pakistan. Chính sách hạt nhân của Ấn Độ là tự vệ và phóng đầu đạn từ máy bay, mặt đất và biển.

Ấn Độ hiện có hai mẫu tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân: Prithvi và Agni. Prithvi I và Prithvi III có tầm bắn dưới 500 km và được triển khai trong giai đoạn 1995 - 2001.

Tên lửa Prithvi III của Ấn Độ.

Agni I có tầm bắn khoảng 700 km, nhưng vào tháng 1.2004, Ấn Độ bắn thử Agni II có tầm bắn trên 2.000 km. Năm 2008, Agni III được thử nghiệm với tầm bắn ít nhất 3.000 km.

Ấn Độ có một số máy bay có thể triển khai vũ khí hạt nhân như Mirage2000H, Jaguar, MiG-27, SU-30MKI... Do gặp khó khăn trong việc phát triển tàu ngầm mang vũ khí hạt nhân, nước này đầu tư cho 2 loại tên lửa phóng từ biển mang tên Sagarika và Dhanush.

Tháng 2/2008, tên lửa Sagarika được phóng thành công từ một ụ thuyền giả lập tàu ngầm.


Pakistan

Các vụ thử hạt nhân đầu tiên của Pakistan được tiến hành ngay sau những vụ thử của Ấn Độ vào tháng 5/1998. Thế giới gần như không có thông tin về chương trình hạt nhân bí mật của Pakistan.

Pakistan có thể sử dụng máy bay F-16 của Mỹ, Mirage V của Pháp hoặc Fantan A-5 của Trung Quốc để phóng vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, nước này chủ yếu dựa vào tên lửa đạn đạo nội địa theo mẫu của Trung Quốc và CHDCND Triều Tiên để phóng vũ khí.

Tên lửa đạn đạo có khả năng mang đầu đạn hạt nhân của Pakistan gồm có loại tầm ngắn Ghaznavi (Hatf-3) và Shaheen-1 (Hatf-4) và tầm trung Ghauri (Hatf-5). Ngoài ra, nước này còn phát triển tên lửa tầm trung Shaheen-2.

Tên lửa Ghaznavi (Hatf-3) trong một cuộc diễu binh.

Ghaznavi được xuất xưởng năm 2004 và có thể mang 500 kg đi xa gần 400 km. Shaheen-2 chưa được triển khai, có tầm bắn 2.500 km và có thể mang theo 1.000 kg chất nổ.

Hiện, Pakistan phát triển tên lửa hành trình Babur (Hatf-7) có thể mang đầu đạn hạt nhân. Tên lửa này được thử nghiệm lần đầu tiên vào năm 2005 và có tầm bắn khoảng 500 km.

Israel

Tên lửa Jericho III rời bệ phóng.

Israel hoàn thành việc phát triển vũ khí hạt nhân đầu tiên của mình cuối năm 1966 sau khi khởi động chương trình từ giữa những năm 1950 với sự trợ giúp của Pháp. Mãi đến năm 1960, Mỹ "mới" phát hiện chương trình này.

Giới chuyên gia quân sự đánh giá: Israel có khả năng dùng máy bay, tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình để phóng đầu đạn hạt nhân. Các máy bay gốc Mỹ như F-16, F-15I… có thể chở vũ khí hạt nhân và Israel có khả năng biến đổi chúng để sử dụng cho các nhiệm vụ hạt nhân. F-15I là phiên bản máy bay F-15E được cải biến sử dụng nhiều hệ thống của Israel.

Các tên lửa đạn đạo của Israel (dựa trên công nghệ Pháp) được đặt tên là Jericho. Jericho I triển khai lần đầu tiên vào những năm 1970 và có tầm bắn 480-750 km. Một số báo cáo cho rằng, Jericho III với tầm bắn 4.800 km đang được phát triển.

Hệ thống hạt nhân trên biển của Israel dựa vào 5 tàu ngầm lớp Dolphin của Đức, tất cả đều ở ngoài khơi Địa Trung Hải. Có hai loại tên lửa có thể phóng vũ khí hạt nhân từ những tàu ngầm này: tên lửa hành trình Popeye Turbo của Israel và tên lửa hành trình Harpoon của Mỹ.

Nhiều báo cáo cho rằng, tên lửa Harpoon mà Mỹ bán cho Israel đã được chỉnh sửa để mang đầu đạn hạt nhân. Tuy nhiên, thế giới không biết Israel có lắp đặt đầu đạn hạt nhân hoặc hệ thống dẫn đường vào tên lửa hành trình hay không.

Dựa trên các ước tính độc lập căn cứ vào ảnh vệ tinh, lượng plutonium được sản xuất tại lò phản ứng Dimona của Israel có thể đủ cho 100-200 đầu đạn.

Minh Long (tổng hợp)
Nhận bài viết mới qua E-mail:
*Vui lòng click vào Link được gửi vào hộp thư của bạn để xác nhận*

Đăng Nhận xét của bạn!

Bạn có thể để lại nhận xét của mình và tuân thủ theo các nguyên tắc sau:
» Nội dung nhận xét phải nghiêm túc, không dung tục và không Spam.
» Bạn có thể sử dụng các tài khoản: Google, WordPress, AIM, Liveournal ... để viết nhận xét.
» Nếu không có tài khoản, bạn vẫn có thể viết nhận xét bằng cách chọn hồ sơ là Tên/URL hay Ẩn danh.
Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

 
Đối tác | Phong thuy | Tài Chính - Kế Toán | Truyện Tranh Online | Code1k.com | Movang.info | Quần Áo Rẻ Đẹp | 123 Mua Nhanh | SucManhSEO™ | Dịch Thuật Việt |

Hot Defence | ©2008 - 2010 All Rights Reserved by Khanh Nguyen | Website được xây dựng trên nền Blogspot | Xem tốt nhất trên trình duyệt FireFox.

Xin liên hệ Khanh Nguyen qua số ĐT: 016.93.94.95.96
Lượt khách : xxxxx Lượt truy cập : xxxxx
Đầu trang
Giữa trang
Cuối trang