T-90, xe tăng phóng tên lửa huyền thoại của Nga


KT - Theo kế hoạch của Rosoboronexport, từ năm 2020 đến 2025, T-90 sẽ là vũ khí chủ lực của quân đội Nga. Đến năm 2020, T-90 sẽ chiếm 50% tổng số tăng của Nga; 50% còn lại sẽ là các dòng cũ như T-72, T-80...

Tăng T-90 là phiên bản cải tiến cuối cùng của tăng T-72B. Tuy nhiên, khi Liên Xô tan rã, nó được đặt tên mới là T-90, cùng với những cải tiến kỹ thuật vượt bậc so với phiên bản T-72 vốn đã lạc hậu.

T-90 là phiên bản cải tiến của T-72B.


Việc sản xuất hàng loạt T-90 bắt đầu vào mùa thu năm 1992. Đến năm 2000, bộ binh Nga mới được trang bị khoảng 200 chiếc T-90. Thừa kế các ưu điểm của T-72, chiếc T-90 có cấu tạo kỹ thuật cao, cơ động và linh hoạt hơn nên rút ngắn thời gian huấn luyện, giảm thiểu chi phí đào tạo đội lái.

Một trong những khác biệt của T-90 so với T-72B là hệ thống phòng thủ thụ động Shtora-1-7. Hệ thống này nhằm bảo vệ xe trước vũ khí chống tăng điều khiển bằng laser (đạn, bom, hỏa tiễn...) của đối phương bằng cách gây nhiễu bức xạ. Đồng thời giúp đội lái xác định và tránh các loại tên lửa chống tăng phổ biến như TOW, HOT, MILAN, M47 Dragon, hay các vũ khí điều khiển bằng laser như Maverick, Hellfire, Copperhead. Ngoài ra, nó còn có hệ thống điều khiển hỏa lực 1A45 Yrtysh, súng máy điều khiển từ xa, đạn trái phá có độ chính xác cao.

Vũ khí chính của T-90 là pháo nòng trơn 125 mm, tầm bắn thẳng là 4.000 m, tầm bắn cầu vồng 10.000 m và tên lửa là 5.000 m. Nếu bắn thẳng đứng thì có thể hạ mục tiêu ở độ cao đến 2.120m. Trong chế độ tự động, pháo của T-90 có tốc độ bắn 8 phát/phút, và 2 phát/phút nếu nạp đạn bằng tay. Nhờ các hệ thống đạo hàng PNK-4S hay TKN-4S mà T-90 có thể tìm diệt các mục tiêu vào ban đêm và ban ngày trong khi xe vẫn đang chuyển động, trong bất kỳ thời tiết nào, trên băng tuyết hay sa mạc nắng nóng.

Pháo nòng trơn 125mm là vũ khí chính của T-90. Ảnh: diomil.ir


Khi bắn mục tiêu, hệ thống điều khiển hỏa lực bao gồm những thấu kính hiện đại, các bộ cảm biến kỹ thuật cao đảm bảo tự điều chỉnh các tham số bắn, tự tính toán tốc độ di chuyển của tăng, tầm xa của mục tiêu, góc bắn, nhiệt độ, áp suất khí quyển và cả hướng gió. Bên cạnh đó, tên lửa có điều khiển 9K119 Reflex cho phép phóng hỏa tiễn bằng nòng pháo vào các mục tiêu cố định và di động từ khoảng cách 100 - 5.000 m.

T-90 "dũng mãnh" trong một cuộc tập trận. Ảnh: wikipedia


Vũ khí phụ của T-90 gồm 1 súng máy đồng trục PKT 7,62 mm và 1 súng máy phòng không Kord 12,7mm để đối phó với các mục tiêu trên không và trên mặt đất. Súng máy phòng không Kord có cơ số đạn 300 viên, có thể được xạ thủ điều khiển bắn từ trong xe và có tốc độ bắn 650-750 phát/phút, tầm bắn 2 km. Ngoài ra, kíp xe T-90 còn được trang bị súng ngắn và 10 quả lựu đạn F-1 để ở trong xe.

Động cơ

T-90 được lắp động cơ diesel V-84MS, 12 xi-lanh có công suất 840 mã lực. Khác với động cơ của T-72, V-84MS có thể sử dụng nhiều loại nhiên liệu từ diesel cho tới xăng.

T-90 sử dụng động cơ diesel công suất 840 mã lực. Ảnh: wikipedia


Trong tương lai gần, Nga dự định nâng công suất động cơ của T-90 lên đến 1.400 mã lực. Và như vậy chiếc xe sẽ có vận tốc cao hơn, cơ động hơn trong tác chiến, vượt các loại tăng có cùng tính năng tương đương của nhiều quốc gia khác. Bên cạnh đó, hệ thống thông tin, hệ thống quan sát, hệ thống điều khiển tự động, các vũ khí đi kèm cũng sẽ được hoàn thiện... Hiện T-90S được các chuyên gia quân sự nước ngoài đánh giá cao, cho rằng không hề thua kém các dòng tăng cùng loại của phương Tây nhưng giá lại rẻ hơn 40 - 50%. Loại tăng này được Ấn Độ ưa chuộng và quân đội nước này dự định sẽ trang bị 1.600 chiếc T-90S.

Các phiên bản

T-90 có nhiều phiên bản để thực hiện những nhiệm vụ khác nhau. Ảnh: wikipedia


T-90 có 3 biến thể: T-90K, T-90S và T-90SK. Mỗi loại đều được cải tiến và lắp đặt thêm các trang thiết bị khí tài tân tiến. Trong số này, T-90S phục vụ cho xuất khẩu, có động cơ V92S2 mạnh hơn. Các hệ thống kỹ thuật đều thuộc loại mới nhất và đây chính là chiếc tăng được giới thiệu tại Russian Expo Arms-2008.


Đặc điểm kỹ thuật:
Trọng lượng: 46,5 tấn
Chiều dài: 9,53m
Chiều rộng: 3,78m
Chiều cao: 2,22 m.
Kíp xe: 3 người (chỉ huy, điều khiển súng, lái tăng)
Năm 2001, Ấn Độ đặt mua 310 xe tăng T-90S của Nga, trong đó có 120 chiếc đã hoàn thành, 100 chiếc đã lắp đặt xong các thiết bị cơ bản, còn 90 chiếc mới hoàn tất một nửa.
T-90 được chọn vì nó là bản nâng cấp của mẫu T-72 mà Ấn Độ sử dụng thành thục, đồng thời sức mạnh của nó cũng có thể cạnh tranh ngang ngửa với T-80UD và T-84 của Pakistan. Giá trị của hợp đồng lên tới 795 triệu USD, bao gồm cả chi phí chuyển nhượng công nghệ và các hệ thống vũ khí của T-90.
Ngày 26/10/2006, một hợp đồng 330 chiếc T-90S trị giá 800 triệu USD cũng được ký kết. Ấn Độ đang muốn sở hữu hơn 1.500 xe tăng T-90S cho đến năm 2020.

(Theo baodatviet)
Nhận bài viết mới qua E-mail:
*Vui lòng click vào Link được gửi vào hộp thư của bạn để xác nhận*

Đăng Nhận xét của bạn!

Bạn có thể để lại nhận xét của mình và tuân thủ theo các nguyên tắc sau:
» Nội dung nhận xét phải nghiêm túc, không dung tục và không Spam.
» Bạn có thể sử dụng các tài khoản: Google, WordPress, AIM, Liveournal ... để viết nhận xét.
» Nếu không có tài khoản, bạn vẫn có thể viết nhận xét bằng cách chọn hồ sơ là Tên/URL hay Ẩn danh.
Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

 
Đối tác | Phong thuy | Tài Chính - Kế Toán | Truyện Tranh Online | Code1k.com | Movang.info | Quần Áo Rẻ Đẹp | 123 Mua Nhanh | SucManhSEO™ | Dịch Thuật Việt |

Hot Defence | ©2008 - 2010 All Rights Reserved by Khanh Nguyen | Website được xây dựng trên nền Blogspot | Xem tốt nhất trên trình duyệt FireFox.

Xin liên hệ Khanh Nguyen qua số ĐT: 016.93.94.95.96
Lượt khách : xxxxx Lượt truy cập : xxxxx
Đầu trang
Giữa trang
Cuối trang