Vũ khí quân đội Nga


GIẢI MẬT “CHA CÁC LOẠI BOM” CỦA NGA

Tác giả: Văn Thành
Nguồn: T/c Trung Quốc “Tri thức binh khí”
Người dịch: Đặng Hưng Kỳ

Ngày 11-9-2007, Quân đội Nga tự hào tuyên bố trên bản tin truyền hình đã thử thành công quả bom thông thường có uy lực lớn nhất trên thế giới, và nhấn mạnh nó còn lớn gấp mấy lần uy lực “Mẹ các loại bom” của Mỹ, thậm chí còn đặt cho nó cái tên có ý nghĩa đối đầu là “Cha các loại bom”. Vậy đó là loại bom gì? Nga nghiên cứu chế tạo loại bom hiếm có này có thâm ý gì?

ĐÂU LÀ VUA BOM? SỰ RA ĐỜI CỦA “CHA CÁC LOẠI BOM” CỦA NGA

Có nhiều loại tiêu chuẩn để bình xét vua bom, gồm các tiêu chuẩn như sức công phá, thể tích và trọng lượng. Trong lịch sử phát triển của bom đã từng xuất hiện nhiều loại bom cực lớn nhằm những mục đích chiến thuật khác nhau, ngôi vua bom cũng liên tục đổi ngôi.

“Mẹ các loại bom” và “Big BLUE”

Nói đến bom cực lớn không thể không nhắc đến hệ bom cực lớn của Mỹ. Trong Đại chiến thế giới lần thứ hai, Mỹ đã từng chế tạo bom cực lớn là T-12 nặng gần 20 tấn. Trong chiến tranh Việt Nam, Mỹ cũng đã chế tạo và sử dụng bom phát quang BLU-82 nặng gần 7 tấn. Trong chiến tranh Irắc, Mỹ lại nghiên cứu chế tạo “bom nhiên liệu không khí cỡ lớn” GBU-43/B, nặng hơn 9 tấn, nhằm mục đích gây sốc và kinh hoàng và đánh vào các mục tiêu đặc biệt của phần tử khủng bố. Chữ Anh của loại bom này là “Massive Ordnance Air Blast Bombs” viết tắt là MOAB, vừa khéo trùng với chữ viết tắt tiếng Anh “Mother Of All Bombs” (Mẹ các loại bom), lúc đó nó cũng đúng là bom thông thường lớn nhất thế giới, sau đó Mỹ lại nghiên cứu chế tạo ra bom cực lớn “Big BLUE” nặng hơn 13 tấn, cũng là bom khoan sâu “Big BLUE”. Loại bom này tuy nặng hơn nhiều so với “Mẹ các loại bom”, nhưng nó được thiết kế chuyên dùng cho công kích mục tiêu ngầm dưới đất, phần lớn trọng lượng tăng thêm được tăng cường cho đầu chóp và vỏ bom, nên thể tích của nó nhỏ hơn nhiều so với MOAB, nên nó có thể lắp trong khoang vũ khí của máy bay ném bom chiến lược B-2A hoặc B-52, còn BLU-82 và “Mẹ các loại bom” chỉ có thể dùng C-130 để thả bom. Sau đó để thích ứng với tác chiến thành phố ở Irắc và tác chiến vùng núi ở Áp-ga-ni-xtan, thể tích bom của Mỹ lại bắt đầu phát triển theo hướng thu nhỏ, đã nghiên cứu chế tạo hàng loạt các bom đạn nhiệt áp (thermobaric explosive) bắn bằng pháo, bằng súng và dùng cho tên lửa không đối đất cỡ nhỏ.

“BOM NHIỆT ÁP” trở thành của quý mới
Từ BLUE-82 đến “MOAB”, bom của Mỹ ngày càng to, chủ yếu là muốn chế tạo ra loại bom có sức phát hoại trên diện tích lớn, nên sử dụng nhiên liệu thể lỏng có uy lực lớn, sức nổ mạnh và nhiệt cháy tương đối thấp nhưng dễ khí hóa như ethylene oxide, hydrazine fuel. Ví dụ đầu chiến đấu của BLU-82 nạp 5.715 kg thuốc nổ dạng nhão GSX, thành phần chủ yếu là Ammonium nitrate, bột nhôm và polystyrene. Bom nổ lần đầu ở cách mặt đất 30 mét, hình thành một đám mây mù rơi xuống đất, khi cách mặt đất vài mét sẽ kích nổ lần thứ hai, sinh ra sóng xung kích mạnh, có thể sát thương con người trong bán kính 600 mét. Vì trước khi nổ nó phải hình thành đám mây nhiên liệu thể tích rất lớn, để nhiên liệu phản ứng kết hợp hết với ôxy trong không khí nên loại bom này cũng được gọi là “bom mây”.

Để chế tạo được bom có sức nổ lớn và thu nhỏ được thể tích của bom, các nước bắt đầu tìm kiếm nhiên liệu có sức nổ mạnh và nhiệt cháy cao. Nếu xét về đặc tính vật lý, trị số năng lượng của nhiên liệu thể rắn (thuốc nổ) đều cao hơn thể lỏng, nên nhiên liệu thể rắn trở thành hướng phát triển mới. Trên thực tế sự kiện nổ của nhiên liệu thể rắn trong sản xuất công nghiệp cũng đã xảy ra. Ví dụ: bột than đá bay trong bãi than và bột mỳ bay trong xưởng bột mỳ khi đạt đến nồng độ và nhiệt độ nhất định, đều có thể xảy ra nổ. Nếu bản thân những hạt bụi li ti đó là bột thuốc nổ, có thể thấy hiệu quả nổ của nó rất lớn. Vì bản thân thuốc nổ đều có chất ôxy hóa, nên nó không cần hỗn hợp với không khí vẫn có thể nổ, hiệu quả nổ rất mạnh, trong nháy mắt có thể hình thành vùng nhiệt cao áp suất siêu lớn, và chất phụ gia trong đó có thể tiêu hao hết ôxy trong khu vực nổ, khiến con người chết vì ngạt thở. Do sử dụng nhiên liệu thể rắn, nên thể tích của nó tương đối nhỏ, có thể chế tạo ra các kiểu bom khoan sâu, tên lửa không đối đất, và đạn pháo. Loại bom nhiên liệu không khí sử dụng nhiêu liệu rắn được mọi người gọi là “bom nhiệt áp”. Hiện nay có nhiều quốc gia trên thế giới phát triển “bom nhiệt áp”, “bom nhiệt áp” đã trở thành của quý mới về bom đạn thế giới.

“Kẻ khổng lồ” là bom của Nga còn ít người biết

Nga là quốc gia có số lượng bom nhiên liệu không khí hoặc “bom nhiệt áp” chỉ đứng sau Mỹ. Từ tháng 5-1985 khi Quân đội Liên Xô xâm nhập Áp-ga-ni-xtan, Quân đội Liên Xô đã từng sử dụng bom nhiên liệu không khí chống du kích ở miền Đông Áp-ga-ni-xtan, kết quả bom nổ tạo ra một hố bom có đường kính 9,1 mét, sâu 5,5 mét, người và động vật trong phạm vi 400 mét đều bị tiêu diệt.

Sau chiến tranh lạnh, chiến tranh Trê-xni-a lại thổi bùng lên niềm hứng thú của Nga sử dụng loại bom có uy lực lớn này. Trước hết, ta hãy nghiên cứu kiểu bom nhiên liệu không khí ODAB-500PM, đây là một loại vũ khí công kích tầng thấp, tốc độ cao, giống như kiểu bom CBU-55, BLU-72 của Mỹ, chủ yếu dùng để công kích bộ đội và trang bị trên trận địa dã chiến, quét sạch bãi mìn và hủy diệt mục tiêu mềm. Trong chiến tranh Trê-xni-a lần thứ hai, quân đội Nga đã sử dụng loại bom này. Một quả bom nhiên liệu không khí có thể hình thành một đám mây mù đường kính 15 mét, dày 2,5 mét, sau khi kích nổ, sóng xung kích trong bán kính 15 mét tâm điểm nổ có trị số siêu áp 100 kg/cm2, có thể trực tiếp hủy diệt mục tiêu. Trong chiến tranh Trê-xni-a lần thứ hai, Nga còn nghiên cứu chế tạo đạn hỏa tiễn nhiên liệu không khí cỡ lớn TOS-1 dùng cho pháo hỏa tiễn nhiều nòng cải tiến lắp trên loại bệ xe tăng T-72, trong đầu chiến đấu của đạn hỏa tiễn nạp 38,5 kg chất nổ nhiên liệu không khí. Ngoài ra những năm gần đây, Nga còn phát triển một lượng lớn vũ khí bộ binh kiểu nhiệt áp, như đạn nhiệt áp cá nhân “Shmel” để công kích phần tử khủng bố ấn nấp trong các hang hốc và trong các lô cốt ở đô thị.

Quân đội Nga đã học hỏi kinh nghiệm của Mỹ trên chiến trường I-rắc, cũng đề ra nhu cầu tác chiến với loại vũ khí nhiệt áp cỡ lớn. Cần nói rằng về mặt nghiên cứu chế tạo bom đạn, Nga cũng có phong cách riêng. Hiện nay, loại có chỉ tiêu tổng hợp cao nhất trong 5 loại thuốc nổ mạnh thường dùng trong công nghiệp vũ khí thế giới được đặt tên bằng tiếng Nga là “Tai an”. Từ lâu đã có tin Nga phát triển vũ khí nhiệt áp cỡ lớn, nhưng mãi đến ngày 11-9-2007 Nga mới công bố tin này và cho trình chiếu hình ảnh kinh người của vụ nổ bom này. Nga tuyên bố uy lực cực lớn của loại vũ khí này có thể sánh ngang với vũ khí hạt nhân cỡ nhỏ, mà về công nghệ còn tiên tiến hơn “Mẹ các loại bom” của Mỹ.

BÍ MẬT CỦA “CHA CÁC LOẠI BOM” - ĐẶC ĐIỂM BOM NHIỆT ÁP CỦA NGA
Lần này Nga công bố về “Cha các loại bom” có rất ít thông tin, nhưng từ những tin tức hạn chế được công bố đó, chúng ta có thể suy đoán ra một số nguyên lý công tác và tính năng của nó. Uy lực tương đối lớn nhưng không thể so sánh với bom hạt nhân.
Từ những tin tức của Nga cho thấy “Cha các loại bom” được nạp 7,8 tấn thuốc nổ mạnh kiểu mới, dù tổng lượng thuốc nổ ít hơn so với “Mẹ các loại bom”, nhưng sử dụng thuốc nổ tiên tiến nên uy lực của nó lớn gấp 4 lần đối thủ, tương đương với uy lực nổ của 44 tấn thuốc nổ TNT, bán kính nổ đạt tới 330 mét, hầu như lớn gấp đôi so với bom của Mỹ. Những hình ảnh mà Nga công bố cho thấy, trong nháy mắt hình thành đám mây nấm thuốc nổ, một tòa lầu 4 tầng trở thành bình địa.
Nga không công bố tổng trọng lượng của bom, nhưng bom BLU-82 có tổng trọng lượng 6.804 kg, nạp thuốc nổ 5.715 kg; MOAB có tổng trọng lượng 9.525 kg, nạp thuốc nổ 8.164 kg, lượng thuốc nạp thường chiếm 85% tổng trọng lượng. “Cha các loại bom” của Nga nạp 7.800 kg thuốc nổ thì tổng trọng lượng có thể là 9 tấn, nên trọng lượng của nó phải nhỏ hơn MOAB. Đó có lẽ cũng là nguyên nhân mà Nga không nêu bật trọng lượng của “Cha các loại bom”.

Người phát ngôn Quân đội Nga nói nó sánh ngang với vũ khí hạt nhân cỡ nhỏ, nhưng uy lực phá hoại của nó còn kém xa vũ khí hạt nhân. Hiện nay vũ khí hạt nhân nhỏ nhất Mỹ đang sử dụng là B61-11, uy lực nổ của nó có thể điều chỉnh tùy theo tình hình chiến trường, nhưng mức thấp nhất cũng bằng đương lượng TNT 1000 tấn. “Cha các loại bom” còn chưa đạt tới 1/20, và nhìn vào hiệu suất nổ thì uy lực nổ của “Cha các loại bom” nặng 9 tấn mới đạt 44 tấn; còn uy lực của bom B61-11 nặng 350 kg lại đạt tới 1000 tấn, hiệu suất gấp 565 lần “Cha các loại bom”. Hiệu suất nổ và uy lực “Cha các loại bom” tuy đã có bước tiến lớn, nhưng không thể so sánh với vũ khí hạt nhân.

Hiệu ứng đa dạng, có thể phá hoại vũ khí hạt nhân, sinh học, hóa học.

Nguyên nhân chủ yếu của việc Mỹ và Nga dốc sức nghiên cứu phát triển loại bom cỡ lớn này là nhìn thấy hiệu ứng sát thương tổng hợp đa dạng của loại vũ khí này. Ví dụ 1 kg Ethylene oxide thường sử dụng trong bom nhiên liệu không khí phóng ra năng lượng lớn gấp 4 - 5 lần năng lượng phóng ra khi nổ một lượng TNT có cùng khối lượng, diện tích tác dụng của áp lực sóng xung kích lên bề mặt lớn hơn 40% so với TNT, đặc biệt có hiệu quả hủy diệt các công trình vũ khí sinh học, hóa học, hạt nhân. Mấy năm gần đây một số nước như Mỹ, Nga vẫn lo lắng về việc làm thế nào để phá hủy công trình vũ khí hạt nhân, sinh học, hóa học của các phần tử khủng bố hoặc của cái gọi là “quốc gia bất trị”, vì công kích vào các công trình này có thể làm cho các tiêu bản vũ khí sinh học, chất độc hóa học hoặc chất phóng xạ phát tán ra ngoài, gây ra hậu quả tai hại tựa như sự cố hạt nhân Tréc-nô-bưn của Nga. Nếu trên chiến trường xảy ra sự kiện loại này sẽ rất tai hại cho bản thân và quân đội đồng minh. Hãng tin Anh Roi-tơ đưa tin “Cha các loại bom” sử dụng phương thức nổ hai lần giống như “Mẹ các loại bom” của Mỹ, tức là khi sử dụng, kích nổ bom có chứa thuốc nổ nhiệt áp ở độ cao dự định, tung ra nhiên liệu hoặc bột thuốc nổ, lại được kích nổ lần thứ hai, có thể sinh ra quả cầu lửa có nhiệt độ cao khoảng 2500 độ C, và sinh ra sóng xung kích và áp lực cao cực lớn. Nhiệt độ cao xảy ra khi nổ được duy trì trong thời gian dài gấp 5 - 8 lần thuốc nổ thông thường. Nga tuyên bố nhiệt độ cao do bom “Cha các loại bom” sinh ra cao gấp đôi “Mẹ các loại bom”, vậy nhiệt độ cao của nó có thể đạt gần 50000C. Với nhiệt độ và áp suất siêu cao như thế không những có thể giết chết khuẩn lạc vũ khí sinh học và cũng có thể làm chất độc hóa học bị phân giải biến chất. Nếu sử dụng trong không gian nhỏ hẹp, nó không phá hoại lớn các công trình trong hang động mà chỉ sát thương con người, nên cũng không thể phá hoại các thiết bị bảo vệ vật liệu hạt nhân trong công trình hạt nhân, nên các nước như Mỹ Nga đặt nhiều hy vọng vào loại vũ khí này trong việc chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Thể tích vừa phải, ném bom thuận tiện.

Trong bản tin truyền hình của Nga đã nêu bật nội dung máy bay ném bom chiến lược siêu thanh TU-160 ném quả bom “Cha các loại bom”. Còn Mỹ khi ném “Mẹ các loại bom”, do thể tích bom quá lớn buộc phải dùng máy bay vận tải C-130 ném từ tầng cao 6.000 mét. Ví như bom BLU-82 có chiều dài 5,37 mét, đường kính 1,56 mét, thể tích của “Mẹ các loại bom” còn lớn hơn nhiều. Nếu thể tích ngoại hình của “Cha các loại bom” quá lớn, máy bay TU-160 dù đặt trong khoang hoặc treo bên ngoài đều không thể được. Căn cứ vào tình hình mà Nga công bố cho thấy, thuốc nổ của “Cha các loại bom” tuy nhiều hơn BLU-82, nhưng ít hơn “Mẹ các loại bom”, nên rất có thể thể tích của nó phải nhỏ hơn “Mẹ các loại bom”. Nga muốn nâng cao hiệu suất nổ, nhưng lại phải giữ cho bom có thể tích nhất định, tất phải sử dụng phương thức phối chế thuốc nổ mới. Khi quân đội Nga nói rằng bom nổ không gây ô nhiễm môi trường, vậy thuốc nổ trong “Cha các loại bom” rất có thể đã sử dụng hóa chất hydrocacbon truyền thống và có trộn thêm bột kim loại giúp cháy là Al, Si, Bo. Để đạt được nhiệt độ cao 5.0000C, rất có thể lượng phụ gia các chất giúp cháy này ít nhất cũng vượt quá 20% của phương thức thuốc nổ thông thường. Ngoài ra còn có thể sử dụng chất diễn sinh của thuốc nổ “Tai an” có tốc độ nổ, nhiệt nổ, độ mạnh hàng đầu. Như vậy nó bảo đảm có uy lực mạnh, hạn chế được thể tích bom, tiện cho việc thả ném bom.

Diện tích sát thương lớn, có thể công kích mục tiêu ngầm.

Theo tin tức của Nga, “Cha các loại bom” có bán kính sát thương ở nơi trống trải là 330 mét, có nghĩa là sinh vật trong phạm vi đường kính 660 mét sẽ không thể tồn tại. Loại vũ khí này nếu nổ trong hang động, đường hầm hoặc hẻm núi, khi nổ sẽ tung ra đám mây mù lớn các hạt bụi chất nổ, được sóng xung kích đẩy đi tràn ngập theo đường hầm, hang núi, lúc này thiết bị nổ chậm sẽ kích nổ, sóng chấn động do vụ nổ gây ra sẽ liên tục bị phản xạ trong không gian khép kín của hang động, đường hầm hoặc tòa kiến trúc cho đến hết, nên không gây sụp lở. Sóng xung kích và siêu áp do bom nhiệt áp gây ra, sẽ sát thương trên diện tích lớn, và có thể phá hủy vũ khí và thiết bị điện tử không có phòng hộ hoặc phòng hộ mềm. Luồng khí do vụ nổ sinh ra trong đường hầm, hang động có sức phá hoại rõ rệt các hệ thống và thiết bị quan trọng khiến chúng bị “tổn thương về công năng”, tức là hiệu năng bị hạn chế thậm chí mất tác dụng.
Ngoài ra, tuy trong thuốc nổ thông thường có chứa chất ôxy hóa, nhưng với lượng lớn chất giúp cháy trong đó sẽ nhanh chóng “ăn hết” ôxy trong không gian xung quanh, khiến cho hàm lượng ôxy tại hiện trường vụ nổ chỉ còn chưa đến 1/3 so với hàm lượng bình thường, và nồng độ CO lại vượt quá nhiều lần trị số cho phép, gây ra thiếu ôxy, không khí rất độc hại. Theo tin tức được biết, hiệu ứng sát thương của bom nhiệt áp khi nổ trong không gian nhỏ hẹp cao hơn 50% ~ 100% so với khu vực trống trải. Theo An-đơ-ru Khơ-cô - Giám đốc chi nhánh của Tạp chí “Jane’s Defence Weekly” tại Oasinhtơn, “Nếu anh ném một quả lựu đạn ở cửa ra vào một tòa lầu, chỉ có kẻ địch ở xung quanh cửa ra vào bị sát thương, những người ở các nơi khác trong tòa lầu không bị thương vong. Nhưng nếu dùng bom nhiệt áp ném vào cửa tòa lầu thì khi nổ, nó sẽ giết chết mọi kẻ địch trong tòa lầu”. Đủ thấy “Cha các loại bom” là vũ khí có hiệu quả của Quân đội Nga để tiêu diệt phần tử khủng bố ẩn nấp ở vùng núi và trong thành thị.

NGA PHÁT TRIỂN “CHA CÁC LOẠI BOM” ĐỂ LÀM GÌ?

Trước đây, bom cực lớn hầu như là bản quyền của người Mỹ. Trong đại chiến thế giới lần thứ hai mới có Anh và Đức là nước có nền công nghiệp quân sự phát triển đụng tới lĩnh vực này, hiếm có quốc gia nào phát triển loại vũ khí này. Còn nước Nga vừa mới lại sức sau khi Liên Xô giải thể, sao lại có hứng thú với loại vũ khí khó chế tạo, khó ném thả này?

Đối kháng với Mỹ, giành ưu thế công nghệ kỹ thuật.

Đối kháng với Mỹ là cách làm quen thuộc của Liên Xô trong thời kỳ chiến tranh lạnh. Thời đó Mỹ có vũ khí kiểu gì mới, Liên Xô sẽ mau chóng đưa “đối ngẫu” kiểu đó theo cách Nga, ngay trong lĩnh vực vũ khí hạt nhân cũng như vậy. Ví dụ: để đạt được ngai vàng về bom hạt nhân lớn nhất thế giới, năm 1954, Mỹ đã cho nổ một quả bom khinh khí có đương lượng 25 triệu tấn TNT, khác nào một đòn đánh trúng đầu Khơ-rút-sốp lúc đó là Bí thư thứ nhất Đ.C.S Liên Xô. Dù thế nào cũng không thể để người Mỹ chiếm giữ cái ghế bom hạt nhân lớn nhất đó, Khơ-rút-sốp đã trực tiếp lãnh đạo, tự bắt tay vào công việc, đến mùa hè năm 1961 cuối cùng Liên Xô cũng chế tạo ra siêu bom khinh khí có đương lượng 100 triệu tấn, cho đến nay vẫn là lớn nhất thế giới, được gọi là “bom Khơ-rút-sốp”. Do uy lực bom quá lớn, ngay đến đất nước rộng lớn của Liên Xô cũng không tìm được bãi thử nghiệm. Cho dù như vậy thì 50 triệu tấn đương lượng thuốc nổ vẫn là vụ nổ lớn nhất do con người tạo ra trong lịch sử.

Sau khi Liên Xô giải thể, quốc lực nước Nga sụt giảm mạnh, buộc phải từ bỏ đối kháng với Mỹ, thái độ đối với Mỹ trở nên ôn hòa, có vài lần đấu nhau cũng chỉ là “sấm to mưa ít”. Nhưng phương Tây không vì thế mà đối xử tử tế, trái lại còn ra sức đẩy mạnh NATO Đông tiến đưa vòng bao vây đẩy tới phạm vi thế lực truyền thống của Nga. Như tờ báo “Pravđa” của Nga tháng 2-2007 đã đăng bình luận về lời phát biểu của Putin về cuộc chiến tranh lạnh Mỹ - Nga tại Hội nghị Muy-ních: Mỹ đã không thèm để ý đến sự nhượng bộ công khai của Nga, không ngừng đẩy mạnh thế lực quân sự của mình áp sát vào xung quanh Nga, tìm mọi cách phá hoại khối đoàn kết các quốc gia SNG, ngấm ngầm xúi giục cuộc “Cách mạng da cam”. Trong thời kỳ đại suy thoái về kinh tế, điều đó khiến cho xưa là siêu cường nay đành chịu bó tay than thở. Nhưng phương Tây không ngờ rằng, cuộc chiến tranh Irắc do Mỹ gây ra đã khiến giá dầu quốc tế tăng liên tục, Nga là nước lớn về dầu mỏ đã nhân dịp này phá vây về kinh tế, nền kinh tế trong nước trong 7 năm liên tục tăng cao, quốc lực tổng hợp của Nga được tăng cao rõ rệt, là một bảo đảm vững chắc cho Nga tăng cường thực lực quân sự. Từ năm 2003 đến nay, kinh phí quân sự hàng năm của Nga đều tăng trên 20%. Đầu năm 2007, Bộ trưởng Quốc phòng Nga lúc đó là I-va-nốp đã đệ trình kế hoạch dự toán quốc phòng cao tới 31,6 tỉ USD, là kỷ lục cao mới trong lịch sử. Số tiền mới tăng đó ngoài phần cải thiện tiền lương cho quân nhân, phần lớn là dùng cho phát triển vũ khí mới.

Mấy năm gần đây, Mỹ nghiên cứu chế tạo “Mẹ các loại bom” và “Big BLUE”, đã có tiến bộ rất lớn về chế tạo bom cực lớn, giữ vững ngai vàng “Vua bom”. Nga cũng mong muốn giành lấy ngai vàng này để chứng tỏ thực lực quân sự và công nghệ kỹ thật. Chuyên gia Mỹ đã nói với Nga đưa ra “Cha các loại bom” ý muốn nhấn mạnh quân đội của họ đã hồi phục “nguyên khí”, và đã có đủ khả năng, cùng nhiều trang bị mới nhất đuổi kịp Mỹ. Từ tên gọi đầy tính khiêu khích “Cha các loại bom” chúng ta có thể thấy quyết tâm của Nga đối kháng với Mỹ.

Công kích phần tử ly khai và khủng bố.

Sau khi Liên Xô giải thể, Nga đã tiến hành hai cuộc chiến tranh ở Trê-xni-a, Nga cảm thấy vũ khí bộ binh cơ giới hóa dùng để đối phó với đại chiến thế giới được phát triển trong thời kỳ chiến tranh lạnh đã không có đất dụng võ ở Trê-xni-a, nên đã học tập kinh nghiệm của Mỹ trong chiến tranh chống khủng bố, bắt đầu phát triển mạnh vũ khí nhiệt áp, hi vọng sử dụng loại vũ khí này để đánh phần tử ly khai và khủng bố vốn giỏi chiến tranh du kích ở vùng rừng núi và thành thị. Mọi người đều biết, trong chiến tranh Trê-xni-a lần thứ nhất, chính vì quân Nga không có vũ khí thích hợp đánh mục tiêu đường phố, nên buộc phải sử dụng vũ khí phòng không có sức xuyên và góc bắn cao để bắn mục tiêu trong lầu cao.

Trong chiến tranh Trê-xni-a lần thứ hai, Nga buộc phải điều động sử dụng số bom đạn nhiên liệu không khí có số lượng trang bị tương đối ít để công kích mục tiêu không rõ kết cấu nội bộ và mục tiêu cụm. Ngoài ra Nga đã từ lâu để mắt đến doanh trại của bọn khủng bố chiếm cứ tại hẻm núi Van-ki-si ở Gru-dia, nhưng do quan hệ Nga với Gru-dia đang phức tạp, không thể tiếp cận tiêu diệt. Sử dụng bom thông thường khó tiêu diệt hết, nhưng với “vũ khí hủy diệt hàng loạt” như “Cha các loại bom” đúng là một sự lựa chọn tốt nhất. Đặc biệt là loại bom này có hiệu ứng sát thương đặc biệt đối với mục tiêu ẩn nấp trong hang hốc và các tòa kiến trúc, là một sự lựa chọn lý tưởng của lực lượng tác chiến đặc biệt Nga đối phó với bọn khủng bố trong vùng núi Trê-xni-a. Ngoài ra nhìn vào cách nói cao giọng công khai loại vũ khí đáng sợ này, cũng có thể thấy là đòn sốc kinh hoàng đối với những phần tử ly khai và phần tử khủng bố trong nước.

Bù đắp khoảng trống chiến thuật giữa vũ khí hạt nhân và vũ khí thông thường.

Nhìn vào xu thế phát triển bom đạn thế giới cho thấy, vũ khí hạt nhân có xu thế uy lực ngày càng nhỏ, vũ khí thông thường lại có xu thế uy lực ngày càng lớn, chủ yếu là nhằm đáp ứng nhu cầu chiến thuật phức tạp trên chiến trường. Hiện này đương lượng vũ khí hạt nhân uy lực nhỏ nhất cũng có loại 1.000 tấn, còn loại bom lớp 1.000 kg, chỉ có khoảng đương lượng 1 tấn TNT, đến “Cha các loại bom” cũng chỉ có đương lượng 44 tấn. Như vậy có nghĩa là ở giữa còn một khoảng trống của đương lượng hơn 900 tấn. Theo lý luận leo thang chiến tranh của Mỹ, Nga, leo thang chiến tranh là do hai bên giao nhau nâng dần quy mô chiến tranh. Về mặt sử dụng vũ khí, vì sự tồn tại của khoảng trống đó tạo ra “ngưỡng chiến tranh hạt nhân”, cũng sinh ra cái gọi là “tự đe dọa”, do lo lắng sức phá hoại cực lớn của vũ khí hạt nhân, nên không dám sử dụng vũ khí hạt nhân. Nếu vũ khí mà chiến tranh thông thường sử dụng có thể từ mấy chục tấn tới 1000 tấn của vũ khí hạt nhân, thì hai bên sử dụng vũ khí giao nhau có thể nâng lên trơn tru quá độ tới vũ khí hạt nhân, không đến nỗi bất ngờ sử dụng vũ khí hạt nhân, khiến cho những kẻ có quyền quyết định chiến tranh có thể càng linh hoạt kiểm soát chiến tranh. Do đó, với bom cực lớn bù vào khoảng trống chiến thuật giữa vũ khí thông thường với vũ khí hạt nhân, khiến cho chiến tranh hạt nhân có thời kỳ đệm hoãn xung với thời gian dài hơn, nhưng cũng làm cho khả năng xảy ra chiến tranh hạt nhân càng lớn hơn, càng tự nhiên hơn.

Đáng chú ý là, không lâu sau khi Nga công bố “Cha các loại bom”, Mỹ cũng bắn tin đang nghiên cứu chế tạo bom cực lớn kiểu mới nạp tới 14 tấn thuốc nổ. Nếu nguyên lý của nó cũng tương tự như “Cha các loại bom” thì đương lượng TNT sẽ tới gần 80 tấn. “Vua bom” mới đang được sinh ra, cuộc tranh giành giữa Mỹ - Nga cũng mới bắt đầu, ai sẽ là vua sau cùng? Hãy chờ xem./.

Theo Quansuvn
Nhận bài viết mới qua E-mail:
*Vui lòng click vào Link được gửi vào hộp thư của bạn để xác nhận*

Đăng Nhận xét của bạn!

Bạn có thể để lại nhận xét của mình và tuân thủ theo các nguyên tắc sau:
» Nội dung nhận xét phải nghiêm túc, không dung tục và không Spam.
» Bạn có thể sử dụng các tài khoản: Google, WordPress, AIM, Liveournal ... để viết nhận xét.
» Nếu không có tài khoản, bạn vẫn có thể viết nhận xét bằng cách chọn hồ sơ là Tên/URL hay Ẩn danh.
Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

 
Đối tác | Phong thuy | Tài Chính - Kế Toán | Truyện Tranh Online | Code1k.com | Movang.info | Quần Áo Rẻ Đẹp | 123 Mua Nhanh | SucManhSEO™ | Dịch Thuật Việt |

Hot Defence | ©2008 - 2010 All Rights Reserved by Khanh Nguyen | Website được xây dựng trên nền Blogspot | Xem tốt nhất trên trình duyệt FireFox.

Xin liên hệ Khanh Nguyen qua số ĐT: 016.93.94.95.96
Lượt khách : xxxxx Lượt truy cập : xxxxx
Đầu trang
Giữa trang
Cuối trang